Nỗ lực này nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự chuyển dịch này không chỉ giúp giảm phát thải mà về dài hạn cũng giúp nền kinh tế phát triển theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, nhận định từ báo chí, chuyên gia quốc tế tuần qua.
Trang Mckinsey nhận định, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể tăng theo cấp số nhân để thu hút các nhà sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng. Trang báo khuyến nghị, để hỗ trợ xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có thể triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo của khách hàng thương mại và công nghiệp. Thậm chí, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà vô địch của khu vực về cả năng lực năng lượng tái tạo lắp đặt và sản xuất bền vững.
Trong nỗ lực thu hút tài chính, vốn, để chuyển đổi năng lượng, trang Power Technology cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã cho vay 13,8 triệu USD để hỗ trợ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam.
Đối với ADB, đây là khoản tài trợ đầu tiên cho danh mục đầu tư điện mặt trời trên mái nhà trong phân khúc thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.
Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể tăng theo cấp số nhân để thu hút các nhà sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng
"Hiện tại, có hàng chục tỷ nguồn tài chính khí hậu trên toàn thế giới đang tìm kiếm nơi để đầu tư và nếu Việt Nam có thể tận dụng chúng một cách hiệu quả thông qua thị trường carbon được quản lý tốt, thì đó có thể là một trợ giúp rất lớn cho việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam", ông Christoph Prommersberger, Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết.
Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, theo thông tin từ Reuters, Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách về tín chỉ carbon, hoàn thiện quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, xây dựng lưới điện thông minh tích hợp tốt hơn các nguồn năng lượng tái tạo.
"Thị trường tín chỉ carbon sẽ là một cú hích nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi có nhiều doanh nghiệp tham gia trao đổi trên thị trường này. Lộ trình đã có và việc cần làm lúc này là xây dựng những quy định cụ thể và rõ ràng để doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, cần thiết phải thành lập các đơn vị giám sát để đảm bảo sự công bằng trong vận hành. Triển vọng của một thị trường vốn xanh của Việt Nam là rất khả quan và tôi rất hy vọng thị trường này sẽ dẫn dắt Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững", ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) nhận định.
Theo trang Business Times, Việt Nam cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc được nhận định là các quốc gia có cơ hội đón các dòng giao dịch mạnh mẽ về lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần vào việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của lĩnh vực này tại châu Á - Thái Bình Dương.