Sản phẩm, công nghệ

Việt Nam lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Blockchain

Thứ tư, 12/10/2022 | 09:10 GMT+7
Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) sẽ diễn ra vào ngày 19 - 20/10 tại Hà Nội.

Đây là sự kiện quốc tế quy mô nhất về công nghệ blockchain tại Việt Nam, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Vietnam Blockchain Summit 2022 dự kiến sẽ thu hút hơn 1.000 đại biểu, với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế là những cường quốc về công nghệ Blockchain trong khu vực và trên thế giới như: UAE, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc… và sẽ cùng nhau bàn thảo trong gần 20 phiên tọa đàm, trò chuyện công nghệ (fireside chat).

Ban tổ chức chia sẻ thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022

Ban tổ chức kỳ vọng, hội nghị là dịp phổ cập những thông tin cơ bản về công nghệ blockchain cho cộng đồng, là diễn đàn để các chuyên gia trao đổi sâu về vấn đề kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp, nhu cầu của người dân.

Đồng thời, tại sự kiện, diễn giả sẽ tập trung chia sẻ về cách tiếp cận công nghệ blockchain của các tập đoàn công nghệ lớn, những giải pháp mới, những câu chuyện đưa blockchain vào các sản phẩm để mang lại giá trị mới cho người dùng. Với xu hướng phát triển, công nghệ blockchain trở nên phổ biến, đây cũng là dịp để cơ quan quản lý về công nghệ thông tin bước đầu xem xét đến những vấn đề về hành lang pháp lý cho công nghệ mới này.

Blockchain là công nghệ chuỗi - khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng. 

Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu. Đây là công nghệ phổ biến trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giáo dục đào tạo và đặc biệt phát triển trong mảng tài chính số.

Lan Anh