Nông nghiệp sạch

Vùng nuôi tôm an toàn sinh học cho kết quả cao

Thứ sáu, 17/4/2020 | 17:00 GMT+7
Trong khi tôm nuôi ở nhiều nơi liên tục bị dịch bệnh hoành hành thì ở vùng nuôi tôm an toàn sinh học nhiều năm liền tôm nuôi vẫn bình an vô sự.

Thăng trầm 1 vùng tôm

Cách đây 13 năm, vùng đất thôn Đông Điền thuộc xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) là cánh đồng sản xuất 1 vụ lúa/năm chẳng mấy khi cho hiệu quả, bởi bị mặn liên tục xâm nhập. Có ruộng đất trong tay mà cũng như không, trong khi vào thời điểm ấy người nuôi tôm ở khắp nơi kiếm tiền "dễ như trở bàn tay”.

Vậy là người dân ở đây bèn xin chính quyền địa phương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cụ thể là từ sản lúa chuyển sang nuôi tôm, lấy nhược điểm vùng đất bị xâm nhập mặn làm lợi thế để chuyển sang nghề nuôi tôm. Thế là vùng đất Đông Điền trở thành 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Tuy Phước.

Ngày ấy, mặc dù đã bước vào công cuộc nuôi tôm nhưng người dân Đông Điền chưa chuyên tâm lắm. Đến vụ, cứ thả tôm giống cùng với cá, cua xuống ao rồi phó mặc cho trời, rủ nhau đi kiếm việc khác làm lấy tiền tươi lo cho cuộc sống gia đình.

Đến thời điểm nhắm tôm lớn, người nuôi quay về quăng lưới kéo tất tần tật lên, thu hoạch cả tôm lẫn cua, cá. Mật độ tôm nuôi khi ấy rất thấp, chỉ 20 con/m2, lại không được chăm sóc nên năng suất tôm cho rất thấp, chỉ khoảng 1,5 tấn/ha.

Năm 2012,  anh Phạm Văn Chạy, người nuôi tôm kỳ cựu ở Đông Điền, đã chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao hơn tôm sú ở Đông Điền

“Khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú tôi thả nuôi mật độ dày hơn, 30 – 40 con/m2. Cũng kiểu nuôi “hoang dã” như trước đây, nhưng hiệu quả cho cao hơn, năng suất đạt hơn 2 tấn/ha”, anh Phạm Văn Chạy nhớ lại.

Thành công của người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng đã khiến cả cộng đồng nuôi tôm ở đây đồng loạt làm theo. Năm 2013, cả vùng nuôi Đông Điền đều chuyển từ tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến lúc này mật độ nuôi được tăng lên 50 con/m2. Nhờ khi ấy nguồn nước nuôi chưa bị ô nhiễm, các đáy ao còn sạch, nên người nuôi tôm thường xuyên gặt hái thành công.

“Khi ấy tôi nuôi tôm trên diện tích 4.500 m2 diện tích mặt nước, dù không lãi to, nhưng năm nào với 2 vụ nuôi tôi cũng kiếm được 40 – 50 triệu đồng tiền lãi”, anh Chạy chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tôm được thả nuôi với mật độ dày mà không được xử lý kỹ thuật, vài năm sau vùng nuôi bắt đầu phát sinh hiện tượng ô nhiễm. Đó cũng là thời điểm tôm nuôi ở Đông Điền bắt đầu phát bệnh gan tụy.

Trở thành vùng nuôi mẫu an toàn sinh học của tỉnh

Năm 2015, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đưa về Đông Điền. Vùng nuôi tôm được quy hoạch lại hạ tầng, tuyến đê bao ngăn mặn bao quanh vùng nuôi được xây dựng.

Diện tích mặt nước trong vùng nuôi cũng được quy hoạch lại theo kiểu: Bên này là ao lắng, ao nuôi nằm chính giữa, bên kia là ao xả. Trước kia, cả vùng nuôi chỉ có 1 cống chính vừa cấp nước vào ao nuôi vừa xả nước thải, nay để hạn chế ô nhiễm từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào ao nuôi, dự án xây dựng thêm 1 cống xả, từ đó đường dẫn nước vào ao nuôi và đường xả nước thải riêng biệt.

“Trước khi thả giống, nước được xả vào ao lắng để được xử lý hóa chất diệt khuẩn. Nước nằm trong ao lắng từ 5 – 7 ngày để các chất độc hại phân hủy hết mới xả qua ao nuôi.

Khi nước vào đến ao nuôi là đã được tiệt trùng. Nếu trong quá trình nuôi mà kiểm tra thấy các thông số kỹ thuật trong ao không đảm bảo, người nuôi phải thay nước nhằm thay đổi môi trường trong ao nuôi để tôm phát triển khỏe hơn.

Nước xả được cho sang ao chứa thải bên cạnh, để rồi sau đó xả dần ra môi trường theo cống thoát. Nhờ triển khai áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh nên mang lại hiệu quả thiết thực”, anh Chạy cho hay.

Anh Phạm Văn Chạy dùng sõng đi quanh ao kiểm tra tôm nuôi vụ 1/2020

Từ khi được hưởng lợi từ dự án CRSD, vùng nuôi tôm Đông Điền thành lập Ban quản lý cộng đồng nuôi tôm quản lý 25 ha diện tích nuôi tôm với 5 tổ quản lý gồm 45 thành viên. Anh Phạm Văn Chạy, người nuôi tôm kỳ cựu ở đây được tin tưởng giao làm nhiệm vụ trưởng ban.

Việc cải tạo đáy ao là yếu tố then chốt quyết định thành bại của vụ nuôi. Theo phân tích của anh Chạy, qua quá trình nuôi, chất thải từ thức ăn thừa và phân tôm lắng đọng dưới đáy ao gây ô nhiễm, phát sinh khí độc. Do đó, sau khi thu hoạch, khi cải tạo phải phơi đáy ao thật khô, nếu đáy ao không khô đúng cỡ, khi xả nước vào nuôi yếm khí sẽ bùng lên gây hại tôm nuôi.

“Nếu cải tạo đáy ao không tốt, khi đang thả nuôi mà yếm khí bùng lên là lũ tôm bị ngạt oxy, tôm đang khỏe mạnh là vậy mà cứ ngửa bụng ra chết”, anh Chạy minh họa.

Trong những ao nuôi tôm ở vùng nuôi Đông Điền còn được thả cá rô phi vào nuôi chung với mật độ 1 con cá/2 m2 để chúng làm nhiệm vụ dọn hồ

Cá rô phi không chỉ ăn dần chất thải dưới đáy ao giúp hạn chế ô nhiễm, mà lớp nhớt của cá còn tiết ra chất có tác dụng sinh học diệt những vi khuẩn hại tôm, cân bằng sinh thái trong ao nuôi.

Nhờ đó, tôm nuôi ở Đông Điền trong những năm qua không bị dịch bệnh gây hại, người nuôi đều có lãi.

“Mấy năm liền vừa qua trong khi các vùng nuôi tôm tự phát dịch bệnh liên tục hoành hành thì tôm nuôi ở Đông Điền được bình an. Riêng năng suất của vùng nuôi Đông Điền đạt bình quân 5,5 tấn/ha, trong khi năng suất bình quân ở các vùng nuôi tự phát trong xã chỉ 3,7 tấn/ha. Năm ngoái, ao nuôi của tôi có diện tích 4.600 m2, qua 2 vụ nuôi tôi thu được 2,4 tấn tôm, lãi ròng được hơn 100 triệu đồng”, anh Chạy chia sẻ

Theo Nông Nghiệp VN