Xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia

Chủ nhật, 12/12/2021 | 17:11 GMT+7
Để phát triển bền vững không gian biển gắn với bảo vệ môi trường, việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia trong giai đoạn tới là rất cần thiết, cần sự thảo luận, đồng thuận cao của các chuyên gia, ban ngành Nhà nước.

Mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có báo cáo về Quy hoạch không gian biển quốc gia với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục đã tổ chức triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và bước đầu xây dựng được dự thảo lần 1 báo cáo thuyết minh Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch được xây dựng với mục tiêu bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng không gian biển, đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Đồng thời, Quy hoạch cũng nhằm kiểm soát việc sử dụng không gian biển bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu của các hệ sinh thái môi trường; bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa các phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh, cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực biển.

Quy hoạch gồm 5 phần bao gồm: các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian biển của các hoạt động. Dự kiến xu thế biến động của tài nguyên và môi trường, các tác động của biến đổi khí hậu; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Dự báo bối cảnh và các kịch bản phát triển; cơ hội và thách thức cho các hoạt động sử dụng không gian biển. Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng, bên cạnh phần quan điểm thường gồm các nội dung: vị trí; mức độ ưu tiên; phương thức thực hiện quy hoạch; trách nhiệm của các bên và nguồn lực để thực hiện, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng cần chú trọng về quy hoạch điện gió ngoài khơi. Bởi thời gian qua các địa phương đã gửi kiến nghị trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII), trong đó có rất nhiều nội dung đề cập đến điện gió ngoài khơi.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên góp ý, nước ta hiện có 8 huyện đảo. Do đó, Quy hoạch cần đề xuất được chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của từng huyện đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chuẩn bị của đơn vị thực hiện Quy hoạch và nhấn mạnh, đây là 1 trong 3 quy hoạch quan trọng nhất đối với nước ta. Đơn vị thực hiện Quy hoạch cần tập trung vào các vấn đề ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; bên cạnh việc kế thừa, tận dụng những cái đã có, cần đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc mới để nâng cao giá trị Quy hoạch. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Quy hoạch. Mặt khác, Quy hoạch cũng cần nêu rõ hơn về vấn đề biến đổi khí hậu với các hiện tượng như nước biển dâng, xói lở bờ sông, bờ biển…

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị đơn vị thực hiện Quy hoạch cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường… để xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch.

Linh Giang (T/H)