Nông nghiệp sạch

Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững

Thứ năm, 22/9/2022 | 15:07 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã vừa làm việc với các hiệp hội ngành hàng thủy sản về định hướng xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản chỉ ra rằng, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3,87 triệu tấn (tăng 7%), sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 2,88 triệu tấn (giảm 2,5%).

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế từ đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trao đổi trực tiếp với đại diện một số hiệp hội ngành hàng thủy sản gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với đại diện các hiệp hội ngành hàng thủy sản

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Ngành thủy sản đã chuyển nhanh, chuyển mạnh trong tư duy giảm cường lực, tăng nuôi trồng. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng bởi đây chính là nguồn lực trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất".

Theo Thứ trưởng, thủy sản là ngành còn nhiều dư địa khai thác, để năng suất cận biên không bị suy giảm, ngành thủy sản phải phấn đấu trở thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có nhiều thương hiệu uy tín và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Đặc biệt, phát triển thủy sản cần gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Song song với đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, các bên phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, nhiệm vụ của những người làm thủy sản không chỉ dừng ở giá trị xuất khẩu. Ngoài mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành cần nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo các vấn đề môi trường, cảnh quan…

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là cơ sở để ngành thủy sản Việt Nam tạo bước đột phá theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong buổi làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng đã lắng nghe và đóng góp ý kiến trực tiếp với các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo Bộ NN&PTNT để cùng xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững.

Thanh Bảo (T/H)