Văn hóa, du lịch

Xúc tiến liên kết du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Thứ tư, 1/3/2023 | 17:29 GMT+7
Ngày 1/3, ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp du lịch đã cùng giới thiệu tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc ở ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh như: du lịch biển, khám phá di sản, du lịch sinh thái đa dạng, du lịch nông nghiệp, cộng đồng, giải trí, mua sắm.

Trong đó, nhiều địa phương đã quan tâm khai thác lợi thế, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như tắm bùn, khoáng nóng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, khám phá hệ sinh thái đa dạng ở miền Tây khu vực, về miền ví dặm Nghệ An...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực liên kết, sáng tạo của 3 tỉnh. Để tiếp tục phát triển du lịch liên kết các địa phương, Tổng Cục trưởng đề nghị ba tỉnh cần quan tâm, phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả; thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo nên cụm điểm đến với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và lợi thế tài nguyên tự nhiên với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như: Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

Hội nghị xúc tiến du lịch với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”

Bên cạnh đó, các tỉnh cần chủ động liên kết hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, thu hút khách; phát huy hiệu quả liên kết khu vực Bắc Trung Bộ và liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch; phối hợp Tổng cục Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách.

Cần nghiên cứu, đánh giá, cơ cấu lại thị trường cũng như đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế; dựa trên thế mạnh của từng địa phương xây dựng các chuỗi sản phẩm đa dạng, có sức cạnh tranh cao, thu hút dòng khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày; quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm”.

Ngoài ra, cần tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn.

Lưu ý, các địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh, môi trường kinh doanh du lịch.

Huyền Dung