Trong nước

6 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ đồng

Thứ sáu, 10/7/2020 | 16:14 GMT+7
Đó là con số được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức mới đây.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I/2020 và 0,36% trong quý II, so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81% - thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.

Suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 3 khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,19%, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi, xuất khẩu nông sản bị trì trệ, ảnh hưởng từ tình trạng xâm nhập mặn. Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,98% trong 6 tháng đầu năm, do giảm sản lượng và gia tăng áp lực tăng giá cả đầu vào. Khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,57%, ngành dịch vụ du lịch sụt giảm mạnh do giãn cách xã hội.

Đại dịch cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đối với xuất, nhập khẩu Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,2 tỷ USD (giảm 1,1%), xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 6,7%. Nhập khẩu ước đạt gần 117,2 tỷ USD (giảm 3%), trong đó nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất giảm 2,8%, nhóm hàng tiêu dùng giảm 6,5%.

Ông Nguyễn Anh Dương trình bày báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tại hội thảo

Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn nghiêm trọng, Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức nhờ công tác phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ VND, tương đương 33% GDP và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Vốn từ khu vực nhà nước tăng trưởng cao tới 7,4%. Vốn FDI đăng ký đạt 15,7 tỷ USD so lợi thế về chuyển biến nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, các FTA mới và năng lực điều hành chính sách trong thời điểm thế giới nhiều bất định.

Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm, dù không ở mức cao như các năm 2018 – 2019.

Tuy nhiên, theo ông Dương, việc ước tính các số liệu trên vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tình hình kinh tế Việt Nam và để đưa ra dự đoán là điều không dễ dàng trong bối cảnh bất ổn hiện nay. Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch đến nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù được đánh giá cao về cơ hội phục hồi kinh tế sớm nhưng Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Thanh Bảo