Trong nước

30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên mất việc làm, giảm thu nhập nửa đầu năm 2020

Thứ sáu, 10/7/2020 | 14:44 GMT+7
Theo Báo cáo về tình hình lao động việc làm tại Việt Nam của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Trong họp báo Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 10/7, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Đặc biệt, người bị giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3%, tương ứng 17,6 triệu người.

Lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và chủ yếu ở lực lượng lao động nữ. Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% (1,2 triệu người) so với quý trước và giảm 5,5% (1,5 triệu người) so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam, lần lượt là giảm 3,9% so với quý trước và 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Do ảnh hưởng của nền kinh tế, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tính trong quý II/2020 giảm ở tất cả các nhóm tuổi. Đáng lưu ý là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn ở nông thôn, trong đó chênh lệch nhất nhất là ở nhóm 15 - 24 tuổi (thành thị: 45,3%, nông thôn: 60,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 28,1%, nông thôn: 50,9%).

Quý II năm 2020 ghi nhận mức giảm người lao động từ 15 tuổi trở lên nhiều nhất trong vòng 10 năm qua

Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến các ngành công nghiệp chế biến, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, ngành giáo dục và đào tạo, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Có thể nói, dịch vụ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.

Việc cắt giảm nhân lực đã dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm tăng cao. Gần 1,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm, tính riêng trong quý II/2020. So với quý trước, lao động nam giới thiếu việc làm tăng cao (tăng 250.000 người).

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động trong quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng (5,1%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua.

Bà Vũ Thị Thu Thủy phát biểu tại họp báo

Chia sẻ với phóng viên, bà Thủy nói, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị hiện đang là 4,46%, vượt quá 0,46% mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Mặc dù tính trung bình 6 tháng đầu năm thì tỷ lệ này đang ở mức cho phép là 3,82%, nước ta cũng đang khống chế dịch rất tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được phục hồi và người lao động đang quay trở lại công việc nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều do có quan hệ hợp tác thương mại với các nước khác. Do đó, để đạt được mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động dưới 4% là rất khó nếu không có sự nỗ lực hết sức của các ban, ngành.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ cho từng nhóm người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời triển khai nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành quay trở lại hoạt động kinh tế.

Thanh Tâm