Trong nước

Dự báo về một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ

Thứ tư, 8/7/2020 | 15:32 GMT+7
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày rõ nét hơn sự mong manh của tiến trình siêu toàn cầu hóa. Các chuỗi cung ứng quan trọng bị phá vỡ và sự căng thẳng về kinh tế giữa các quốc gia, đang kìm hãm thương mại tự do.

Chủ nghĩa bảo hộ cũng đang “toàn cầu hóa” với xu hướng này lan rộng từ Mỹ, châu Âu cho tới Trung Quốc và rộng hơn ở châu Á.

Bảo hộ mậu dịch ảnh hưởng đến việc xuất khẩu (Ảnh Morgan Stanley)

Toàn cầu hóa không chỉ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, mà còn tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các quốc gia và doanh nghiệp, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc bất ngờ. Rõ ràng, đại dịch này đã đả kích thẳng vào bản chất của chuỗi sản xuất toàn cầu hóa và các công đa quốc gia, trong việc tận dụng lao động giá rẻ tại những công xưởng nghèo nàn và khao khát trợ cấp lớn từ Chính phủ Trung Quốc. Vậy, phải chăng toàn cầu hóa chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay?

Tại Hà Lan, nơi được biết đến như một đất nước gắn bó lịch sử với thương mại tự do, đang trở nên ngờ vực đối với tự do thương mại. Quốc hội nước này ngày 3/6 đã bác bỏ một thỏa thuận thương mại tự do với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Các nghị sĩ Hà Lan lo ngại rằng thỏa thuận thương mại với Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay sẽ gây thiệt hại cho nông dân Hà Lan và làm trầm trọng hơn hành động phá rừng Amazon. Đã được đàm phán trong 20 năm, thỏa thuận có nguy cơ không được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Trong khi đó, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng chủ nghĩa bảo hộ như một vũ khí ngoại giao. Trung Quốc đã áp thuế cao đối với mặt hàng lúa mạch Australia và đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ bốn công ty chế biến lớn của Australia vi phạm yêu cầu nhãn mác và giấy chứng nhận sức khỏe gia súc sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Gia tăng sự can thiệp của Nhà nước

Với các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và y tế, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm suy giảm hoạt động trao đổi thương mại trên thế giới. Những hành động can thiệp của các quốc gia để cứu nền kinh tế dưới hình thức như trợ cấp, viện trợ hoặc đầu tư vốn vào các công ty đã được chào đón, ngay cả ở các quốc gia thường phản đối như Anh hoặc Mỹ.

Viện dẫn các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì cho phép thực hiện các biện pháp đặc biệt trong tình huống khủng hoảng. Nhưng trong khi đó thì: việc hỗ trợ doanh nghiệp đặt ra vấn đề đối với các cam kết quốc tế, nếu tình huống kéo dài. Ngay cả khi các quy tắc thương mại thế giới đã trở nên ít ràng buộc hơn kể từ khi Trung Quốc và Mỹ tăng cường trả đũa thương mại và Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO rơi vào tình trạng tê liệt kể từ tháng 12/2019.

Thời mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chào mời thương mại tự do, dường như đã qua từ lâu trong cuốn sách “Giữa hy vọng và lịch sử”, xuất bản năm 1996. Thời đó, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi “chúng ta không cần xây tường, nhưng cần xây cầu. Chúng ta không cần bảo hộ mà cần cơ hội. Chúng ta cần một giao dịch công bằng với các quy tắc công bằng”.

Kể từ năm 1995, khi WTO được thành lập, khối lượng trao đổi thương mại trên thế giới đã tăng lên 2,7 lần và mức thuế trung bình đã giảm một nửa. Thực trạng “siêu toàn cầu hóa” này đã giúp nhiều nước đang phát triển thoát nghèo. Tuy nhiên, xu hướng này đang bị buộc là thủ phạm phá hủy việc làm tại các nước giàu, đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu và làm suy yếu chuỗi cung ứng quốc tế, đồng thời gia tăng sự phụ thuộc đối với Trung Quốc.

Chứng kiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy

Những năm qua, đã chứng kiến không chỉ sự gia tăng trong thương mại thế giới, mà chuỗi sản xuất giữa một số quốc gia bị phá vỡ. Trao đổi các sản phẩm trung gian để sản xuất ra hàng hóa cuối cùng chiếm phần lớn sự gia tăng trong thương mại thế giới. Mô hình này chiếm tới 70% giao dịch hàng hóa trên hành tinh.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 bởi Trường kinh doanh Said thuộc trường Đại học Oxford cho thấy một chiếc xe ô tô rời khỏi các nhà máy của Toyota đã tập hợp các bộ phận được sản xuất bởi 2.192 nhà thầu phụ khác nhau.

Trong đại dịch, khi gặp khó khăn trong việc tự cung ứng khẩu trang và thiết bị y tế, các quốc gia đã phát hiện ra điểm dễ bị tổn thương của mình. Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế được nuôi dưỡng trong hai thập kỷ qua mâu thuẫn với tình trạng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở Brazil, Ấn Độ, Mỹ, Nga và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz nhận định "toàn cầu hóa về kinh tế đã phát triển nhanh hơn toàn cầu hóa về chính trị".

Trong bối cảnh đó, liệu chính sách hồi hương các lĩnh vực sản xuất chiến lược của Pháp và châu Âu có phải là giải pháp?

Nhiều nhà kinh tế nghi ngờ hướng đi trên. Theo giáo sư Isabelle Méjean, thuộc Đại học bách khoa của Pháp, sự tập trung trong sản xuất chính là vấn đề cho dù ở Trung Quốc hay nơi khác. Giáo sư kinh tế Penny Goldberg của Trường Đại học Yale gợi ý đơn giản là cần tăng dự trữ để giảm thiểu tác động của những cú sốc.

Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu lại

Một chỉ trích khác về toàn cầu hóa thương mại liên quan đến sự nóng lên của Trái Đất gây ra bởi khí thải nhà kính từ giao thông và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. EU đang cân nhắc việc áp thuế carbon tại biên giới châu Âu, đồng thời tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại.

Ủy ban châu Âu cũng đang cố gắng bảo vệ chủ nghĩa đa phương bằng cách tạo ra thủ tục kháng cáo khẩn cấp dựa trên các quy tắc của WTO. Sáng kiến đã được 25 quốc gia ủng hộ và tham gia, bao gồm Trung Quốc, Australia, Brazil và Canada.

Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng sự hồi sinh của chủ nghĩa đa phương trong thời điểm hai cường quốc thế giới vẫn đang lún sâu trong một cuộc chiến thương mại ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỹ đe dọa sẽ đình chỉ các chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc đến lãnh thổ của mình từ ngày 16/6 đồng thời cấm các công ty Mỹ bán thiết bị công nghệ cho "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei.

Đã đến mức cần phải báo động các quốc gia cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa. Các biện pháp bảo hộ kéo theo sự trả đũa có thể phá hủy khuôn khổ thương mại thế giới và gây tình trạng suy thoái chung trên toàn thế giới. Trong những năm 1930, sự gia tăng các rào cản hải quan của Mỹ đã khiến thương mại quốc tế giảm 65% và làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái.

Chủ nghĩa bảo hộ ngăn chặn các nước nghèo phát triển

Các nhà sản xuất trên toàn đất nước Bangladesh đã thiệt hại đến gần 3 tỷ USD (2,6 tỷ euro) do các thương hiệu quần áo trên toàn thế giới hủy đơn đặt hàng, con số này chiếm 10% doanh thu hàng năm ở nước ngoài. Nền kinh tế Bangladesh, nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đang chững lại. Tốc độ tăng trưởng của đất nước Nam Á sẽ giảm một nửa vào năm 2020, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), công bố ngày 3/6.

Các nước nghèo và mới nổi, có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sản phẩm gia công, nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng. WTO cho rằng đại dịch COVID-19 có thể khiến khối lượng giao dịch hàng hóa suy giảm từ 13% tới 32%, một thực trạng đáng ngại hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Không giống như châu Âu hay Mỹ, sở hữu những công cụ quan trọng để có thể vay nợ, các quốc gia thu nhập thấp không có dư địa tài chính để cứu nền kinh tế của họ. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng, IMF đã ước tính rằng một nửa trong số các nước trên có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nước này chỉ có thể dành 1,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các kế hoạch viện trợ kinh tế, so với 8,6% GDP của những nước giàu.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới và tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, ngăn chặn tăng trưởng của các nước thu nhập thấp và trung bình. Một số nước, trên thực tế, đã tận dụng việc mở cửa biên giới để thâm nhập chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Phong trào di dời sản xuất do Pháp và Mỹ ủng hộ dưới danh nghĩa "chủ quyền kinh tế" có thể dẫn đến cắt giảm việc làm.

Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevêdo nói rằng sự gia tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu là một yếu tố chính trong tăng trưởng, điều này cho phép các nền kinh tế đang phát triển có thể nhanh chóng bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Tổ chức này cho rằng số người thoát nghèo đói toàn cầu tăng nhanh gấp bốn lần tốc độ phát triển thương mại toàn cầu. 1/10 người trên thế giới ngày nay sống dưới mức nghèo khổ, so với tỷ lệ 1/3 vào năm 1995.

Tự động hóa trong sản xuất công nghiệp gia tăng

Có một mối rủi ro lớn là một quốc gia có thể bị mắc kẹt trong các liên kết giá trị gia tăng thấp của chuỗi cung ứng và do đó việc phân phối lợi nhuận sẽ không đồng đều. Tuy nhiên, xuất khẩu là vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng của các nước đang phát triển.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã tính toán rằng xuất khẩu đóng góp tới 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển so với chỉ 18% ở các nước phát triển. Nguyên chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) Kaushik Basu cho biết, nhờ hội nhập tốt hơn với phần còn lại của thế giới, các quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Nam Phi đã thành công trong việc giảm nghèo, vì vậy, làn sóng bảo hộ khiến ông đặc biệt lo lắng.

Giám đốc bộ phận chiến lược toàn cầu hóa và phát triển của UNCTAD Richard Kozul-Wright lo ngại rằng các khoản trợ cấp khổng lồ được các quốc gia phía Bắc Bán Cầu đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp của họ trong đại dịch sẽ gây những tác động méo mó trong hệ thống thương mại thế giới. Cơ quan của Liên hợp quốc này yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia phía Nam Bán Cầu trên bình diện thương mại hoặc tài chính để vượt qua khủng hoảng./.          

TS. Vũ Thanh Nguyên

 

Nguồn:kinhtevadubao.vn