Hội nghị đóng vai trò là diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành điện của Australia nhằm đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam để đạt được mục tiêu về một hệ thống điện đáng tin cậy, giá cả phải chăng và giảm phát thải, phù hợp với Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.
Hội nghị là một phần của chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam (FE-V) được ra mắt vào năm 2022 bởi Chính phủ Australia với sự phối hợp tham gia của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan năng lượng chính của Việt Nam.
Mục tiêu của Hội nghị Hiện trạng chuyển dịch năng lượng Việt Nam là trình bày những kết quả nghiên cứu của chương trình Tương lai ngành điện Việt Nam và thúc đẩy mối quan hệ đối tác bền vững giữa các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân thông qua các phiên làm việc hợp tác, tương tác đồng cấp. VSET đồng thời hướng tới đặt nền móng cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của FE-V, chẳng hạn như phát triển báo cáo thường niên về tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết: Australia và Việt Nam đã cùng nhau nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Cả Australia và Việt Nam đều coi biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng là các trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác này. Đây cũng là điểm đặc biệt nhất trong mối quan hệ giữa hai bên.
Theo Đại sứ, cả Việt Nam và Australia có nhiều điểm tương đồng như cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sở hữu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn. Theo đó, Australia mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch này.
Chúng tôi muốn ghi nhận những ý kiến, sáng kiến của các chuyên gia để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam được triển khai một cách hiệu quả nhất, ông Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/18/chuyen-dich-nl-20240918213424407.jpg)
Ảnh minh họa
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã thông tin về thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, 5 vấn đề Việt Nam cần giải quyết trong quá trình chuyển dịch năng lượng gồm: nguồn vốn, công nghệ hiện đại, lực lượng lao động tay nghề cao, năng lực quản trị và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng khuôn khổ, chính sách và khung pháp lý phù hợp hỗ trợ việc chuyển dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý, Việt Nam đang trên hành trình đang trên hành trình phát triển điện gió. Sắp tới, sẽ có nhiều dự án thí điểm được triển khai và Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo một nền tảng chính xác, minh bạch và một thị trường công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân Việt Nam tham gia trong lĩnh vực điện gió.
Bà Audrey Zibelman, nguyên Tổng giám đốc điều hành của Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) đã chia sẻ về một số kinh nghiệm từ Australia trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Bà cho biết để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng, cần phải triển khai đồng thời nhiều hoạt động. Theo đó, trong các khuôn khổ chính sách được đưa ra cần xác định hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho quá trình này.
Bà Audrey Zibelman cũng đề cập tới một số thách thức mà Australia đã ghi nhận trong quá trình chuyển đổi như vấn đề về nguồn nhân lực, chuỗi cũng ứng và huy động tài chính. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi quốc gia phải xây dựng các chính sách cụ thể, rõ ràng và toàn diện.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, phía Australia đã rút ra một bài học quan trọng, đó là các giải pháp đổi mới không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn liên quan tới các khía cạnh khác. Trong đó, nỗ lực đổi mới này cần phản ánh được nội hàm của sự thay đổi dưới tác động của thị trường, chính sách và kỹ thuật.
Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ là sự thay đổi từ nguồn năng lượng này sang nguồn năng lượng khác mà là sự thay đổi trong cả hệ thống, từ khâu sản xuất tới tiêu dùng. Ví dụ, quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ cần điện khí hóa cả hệ thống giao thông vận tải. Do đó, để triển khai nỗ lực này một cách hệ thống và hiệu quả, quốc gia cần có cái nhìn toàn diện và hướng đi cụ thể.