Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 32/2024

Thứ hai, 2/9/2024 | 08:21 GMT+7
Chương trình ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 định hướng nghiên cứu và triển khai các dự án liên quan đến những nguồn nhiên liệu sạch như hydro xanh, amonia xanh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu và triển khai các dự án liên quan đến những nguồn nhiên liệu sạch

Theo Chương trình ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về định hướng trong phân ngành điện và năng lượng tái tạo: phát triển ngành điện theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bảo đảm cân đối về cung - cầu năng lượng và giữa các vùng - miền phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và các địa phương trong từng thời kỳ, đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.

Phát triển chuỗi cung ứng ngành điện theo hướng đồng bộ hóa từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải.

Nghiên cứu và triển khai các dự án liên quan đến những nguồn nhiên liệu sạch như hydro xanh, amonia xanh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Nghiên cứu phát triển hệ thống lưu trữ như pin tích năng, trữ nhiệt… nhằm mục đích đảm bảo độ ổn định của hệ thống điện có tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời nghiên cứu và triển khai các dự án liên quan đến các nguồn nhiên liệu sạch như hydro xanh, amonia xanh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 để giải quyết các thách thức trong phát triển nguồn, điều hành sản xuất, xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải, phát triển thị trường điện cạnh tranh và tích hợp hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.

Tiếp tục nghiên cứu triển khai các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng trên lưới điện, đặc biệt đối với các lưới điện có mức điện áp thấp bao gồm lưới điện trung áp và hạ áp. Đồng thời tính toán chỉ số tổn thất điện năng và đặt mục tiêu ngang tầm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Triển khai dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore

Mới đây, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đã tổ chức Lễ trao thầu gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore.

Theo PTSC, dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore là một trong những dự án hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng sạch, được khởi động vào đầu năm 2023 khi hai bên tiến hành ký Thỏa thuận phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sạch sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây cũng là dự án thí điểm của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường an ninh năng lượng của quốc gia và khu vực. Dự án được triển khai với sự hợp tác giữa PTSC - thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và SCU – công ty con của Tập đoàn Sembcorp.

Ảnh minh họa

Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore. Gói thầu này nhằm đảm bảo sự thành công của dự án thông qua việc cung cấp các dữ liệu chính xác, đầy đủ về điều kiện tự nhiên và kỹ thuật tại khu vực triển khai dự án. Công việc đo đạc, nghiên cứu sẽ bao gồm thu thập dữ liệu về tốc độ gió, hướng gió và cường độ gió ở những độ cao khác nhau; đo đạc các thông số thủy văn như sóng biển, dòng chảy, mực nước biển; nghiên cứu khảo sát địa chất đáy biển, đánh giá tiềm năng khai thác điện gió và xác định các công nghệ tiên tiến để phát triển hệ thống điện gió ngoài khơi. Quá trình đo đạc, nghiên cứu sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, đảm bảo sự chính xác, hiệu quả cao nhất.

Việc thực hiện thành công gói thầu này sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ cho việc thiết kế, thi công và vận hành trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất 2,3 GW. Gói thầu không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo hiệu quả và an toàn của dự án mà còn là cơ hội để PTSC cùng Sembcorp áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam.

Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất viên nén chất đốt

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 3007/QĐ-UBND ngày 27/8/2024 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (cấp lần đầu ngày 22/8/2024) cho Công ty TNHH Phú An Thành Bình Định có địa chỉ trụ sở chính tại cụm công nghiệp Cầu 16, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thực hiện dự án nhà máy sản xuất viên nén chất đốt wood pellet.

Mục tiêu của dự án là sản xuất viên nén gỗ làm chất đốt với quy mô 120.000 tấn sản phẩm/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại lô đất số B4 cụm công nghiệp Cầu 16, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 31.728 m2. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Tổng vốn đầu tư dự án là 250 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến quý III/2024 hoàn thành các thủ tục đầu tư; quý IV/2024 khởi công xây dựng, đến quý I/2026 hoàn thành và đi vào hoạt động.

Viên nén gỗ là một loại nhiên liệu sinh khối, được coi là nguồn năng lượng bền vững

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai hoàn thiện các công trình theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt. Thực hiện dự án đúng quy mô, tiến độ và các cam kết trong hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và các quy định khác có liên quan theo quy định. Sau khi được cho thuê đất, nhà đầu tư chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn để thực hiện dự án; đồng thời nộp tiền thuê đất theo quy định.

Sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý đầu tư mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.

Ngân Hà