Trong nước

Bắc Ninh tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên 3 động lực tăng trưởng

Thứ hai, 31/7/2023 | 12:08 GMT+7
Trong buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, Bắc Ninh cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, gắn với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Theo báo cáo tại buổi là việc với Thủ tướng, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều được quan tâm. Trong đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; hỗ trợ ngân sách để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tăng biên chế cho tỉnh; sửa đổi, bổ sung một số Nghị định, điều Luật tháo gỡ các điểm vướng mắc sử dụng đất, đấu thầu, quản lý ngân sách…

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh; giải đáp các kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, đề nghị tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy lợi thế vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa; khắc phục các hạn chế như xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; khai thác các nền tảng đã tạo dựng về hạ tầng, công nghiệp… để phát triển, nhất là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực; lưu ý cần phát triển hài hòa, cân đối và có chọn lọc hơn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Bắc Ninh

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bắc Ninh có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và thuận lợi cho giao thương; tỉnh cũng tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp; môi trường kinh doanh thuận lợi; tiềm năng phát triển du lịch lớn với truyền thống lịch sử, nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc... Đặc biệt, Bắc Ninh còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, con người “trọng chữ tình”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh phải tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trước mắt, tỉnh Bắc Ninh tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, gắn với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; làm tốt công tác quy hoạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân.

Ngoài ra, tỉnh cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ; đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới…

Kim Bảo (T/H)