Nhu cầu điện tăng từ 12 - 16%/năm
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên).
Theo TS. Chử Văn Lâm, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn. Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch, đó chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12 - 16% mỗi năm. Điều này đòi hòi cần có sự điều chỉnh trong các chiến lược và quy hoạch phát triển điện và các nguồn năng lượng.

Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận của Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025
TS. Chử Văn Lâm chia sẻ, Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới” hướng đến 3 mục tiêu quan trọng.
Thứ nhất, cập nhật các định hướng mới, những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp năng lượng giúp các bên quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin.
Thứ hai, tham luận ý kiến, trao đổi, phân tích đánh giá của các chuyên gia, các nhà đầu tư phát triển dự án về xu hướng và kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam gắn với các chủ trương, chiến lược của Việt Nam.
Thứ ba, đề xuất, hiến kế các giải pháp bao gồm cả giải pháp chính sách nhằm thực thi hiệu quả và phát huy vai trò đóng góp của chuỗi giá trị ngành công nghiệp năng lượng đối với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế đất nước.
Kịp thời phát triển nguồn điện sạch phục vụ các mục tiêu tăng trưởng
Phát biểu tại diễn đàn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm phát triển năng lượng quốc gia, với chủ trương “năng lượng cần phải đi trước một bước” để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh cần có sự tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, phát triển bền vững đất nước.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đã đưa ra định hướng cụ thể phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Đến nay, để khắc phục một số hạn chế đã bộc lộ và đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, bổ sung các nhà máy điện hạt nhân, mở ra cơ hội phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên. Giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức hai con số, kéo theo nhu cầu điện năng tăng gấp 1,5 lần, tương đương mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm. Đây là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026 - 2028 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt thông tin: Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực, chỉ đạo khẩn trương thực hiện điều này, trong đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân an toàn, bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, các quy định trong Luật giúp thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân trong phát điện, y tế, công nghiệp và môi trường. Nhờ đó, năng lượng hạt nhân có thể trở thành một giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái.
Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 được cấu trúc thành hai phiên: phiên tham luận và phiên thảo luận. Các bài tham luận tại diễn đàn tập trung vào một số vấn đề như: xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, sạch trên thế giới và Việt Nam; những yếu tố mới, quan trọng trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII - các thách thức và gợi ý giải pháp thực thi; công nghệ điện hạt nhân ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam, hướng tới công nghệ và an toàn điện hạt nhân dài hạn và bền vững…
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, đại diện các ban, bộ ngành, hiệp hội, chuyên gia đã tập trung trao đổi về khả năng phát triển của các nguồn năng lượng mới trên cơ sở những định hướng chiến lược và cơ chế chính sách về lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đã công bố và đang được tiến hành sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung; đánh giá tính phù hợp và tạo thuận lợi trong cách tiếp cận sửa đổi các luật hiện hành liên quan đến phát triển năng lượng cũng như quy hoạch phát triển điện và năng lượng; nhận định, đánh giá khả năng cung ứng điện năng từ các nguồn năng lượng như mục tiêu đặt ra, đáp ứng yêu cầu phục vụ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn trung hạn và dài hạn. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện chính sách cũng như đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực thi các dự án năng lượng tái tạo, xanh, sạch đã phê duyệt thời gian qua đồng thời tạo sức hấp dẫn cho các dự án mới.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phát biểu bế mạc diễn đàn
Phát biểu bế mạc diễn đàn, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Diễn đàn hôm nay đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhiều thông tin giá trị trong các báo cáo tham luận và các ý kiến thảo luận. Các chuyên gia, khách mời đều rất tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần cùng nỗ lực, hiến kế và đóng góp các giải pháp nhằm phát huy vai trò quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng, của chuỗi giá trị năng lượng đối với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
TS. Mai Duy Thiện nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng. Năm 2025 là năm bản lề, là năm hoàn thiện nhiều điều kiện cần và đủ, cũng là năm bứt tốc để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới – kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và như thông tin trong phần khai mạc của TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ, các hiệp hội khoa học kinh tế và hiệp hội chuyên ngành sẽ phải phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp chuyên môn của mình vào tiến trình phát triển quan trọng của đất nước.
Theo đó, đây là diễn đàn mở đầu cho những nỗ lực kết hợp tiếp theo của hai Hiệp hội và chúng tôi cũng mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm cùng với chúng tôi tạo không gian kết nối và tăng cường hoạt động trao đổi thông tin giúp các nhà đầu tư nắm bắt nhanh các cơ chế chính sách cũng như cùng trao đổi về những xu hướng mới, kinh nghiệm quốc tế phù hợp và thiết thực đối với Việt Nam.