Nông nghiệp sạch

Bàn giải pháp nâng tầm nông – thủy sản Việt

Thứ sáu, 28/4/2023 | 14:52 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vừa phối hợp tổ chức hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt".

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ ra những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cụ thể, sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; thói quen của người nông dân sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó có thể giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất, chưa chú trọng việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL chưa phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt"

Đề xuất giải pháp về vấn đề này và nâng tầm uy tín của nông sản, thủy sản Việt Nam, GS.TS Võ Tòng Xuân góp ý, cần đưa sản phẩm nổi bật thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đại diện cho địa phương ra thị trường trong nước và cả nước ngoài. Ở cấp quốc gia, cần xác định loại giống, mô hình sản xuất phù hợp để đẩy mạnh; cần bớt sử dụng các chất hóa học, đẩy mạnh hữu cơ, vi sinh và sinh học để giữ vững chất lượng tài nguyên và sản phẩm sản xuất; thực hiện tốt theo cam kết về phát thải khí nhà kính đã đề ra.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), các doanh nghiệp nên tập trung triển khai các biện pháp như: chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Về xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL, các địa phương nên duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu; phát triển hệ thống logistics; quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động logistics nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; khuyến khích đầu tư các cơ sở cung ứng và phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản; tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trung tâm nghiên cứu khoa học.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, để nâng tầm nông - thủy sản Việt, các cơ quan, đơn vị nên nghĩ ngược lại và làm khác đi, chuyển từ tư duy chính thức sang tư duy phi chính thức; cần thoát khỏi tư duy “thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn” và phải dần hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp với nông dân.

Mộc Trà (T/H)