Bất động sản

Bản tin bất động sản số 23/2021

Thứ hai, 2/8/2021 | 10:06 GMT+7
Tính đến tháng 5/2021, Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.

Hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai ở Hà Nội

HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP về việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dựng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP. Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cho thấy, Hà Nội còn 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Khu vực Long Biên là một trong những điểm nóng trong vi phạm Luật Đất đai

Cụ thể là nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND TP chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án TP đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm luật đến thời điểm tháng 5. Trong đó có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3 hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên, Thường trực HĐND TP Hà Nội cho biết do quy định về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Thời gian tới, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài.

Khánh Hòa cần hơn 21.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021 – 2025

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có tổng vốn dự kiến gần 21.000 tỷ đồng, giảm 6.469 tỷ đồng so với Nghị quyết số 77/NQ-HĐND.

Trong đó, Khánh Hòa sẽ tập trung cho các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực.

Cụ thể, dự án nhóm A (1 dự án) chiếm 6,6% tổng kế hoạch vốn; dự án nhóm B (70 dự án) chiếm 55,8% tổng kế hoạch vốn; dự án nhóm C (151 dự án) chiếm 9,1% tổng kế hoạch vốn; còn lại 28,5% vốn được bố trí cho dự án thuộc đề án, chương trình đầu tư công, lập quy hoạch tỉnh, các chính sách đầu tư công khác theo quy định, nguồn dự phòng trung hạn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình giao thông trục chính, có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, đảm bảo an toàn giao thông.

Cụ thể: đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C (đường từ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đi TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Đường tỉnh lộ 2 (ĐT.635), đoạn từ Cầu Hà Dừa đến Cầu Đôi; đường tỉnh lộ 3; cầu qua sông Kim Bồng; đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ (dài 2,5 km); cầu huyện từ Vạn Giã đi Vạn Thắng (trên trục đường Nguyễn Huệ); đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp, đường D1 (tỉnh lộ 2-QL 27C)…

Ngoài ra, tỉnh này cũng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng các khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bắc Giang phê duyệt quy hoạch khu đô thị nghỉ dưỡng gần 60 ha

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký Quyết định số 785 về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng Đồi Ngô 1, xã Chu Điện và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/500).

Khu đô thị nghỉ dưỡng Đồi Ngô 1 có tính chất là khu đô thị mới gồm các chức năng dịch vụ thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, nghỉ dưỡng sinh thái. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Chu Điện và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam

Khu đô thị nghỉ dưỡng Đồi Ngô 1 được xây dựng tại  xã Chu Điện và xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang

Theo quyết định, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 60 ha, dân số dự kiến khoảng 2.500 người. Tổng chi phí xây dựng là 1.500 tỷ đồng, từ nguồn vốn tài trợ của doanh nghiệp.

Về giao thông, đường trong khu đô thị (không áp dụng đối với các tuyến chỉnh trang hiện trạng, đường có vỉa hè tiếp giáp khu công viên, cây xanh) dự kiến >= 19 m.

Thời gian hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết không quá 6 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Tổng chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng, do UBND huyện Lục Nam tổ chức lập quy hoạch.

Thu Uyên