Bất động sản

Bản tin bất động sản số 24/2022

Thứ tư, 8/6/2022 | 09:39 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954

Theo Quyết định số 1845/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, hiện có 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Với 638 biệt thự xếp nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954

Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự nhóm 1).

Đối với biệt thự nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND thành phố cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt...

Điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó, điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm:

Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Thời gian hoạt động từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động của khu công nghiệp;

Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên 2/3 số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển đổi, trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường. Việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ được thực hiện đối với một phần hoặc toàn bộ diện tích khu công nghiệp.

Đáng chú ý, sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần diện tích của khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ thì chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị - dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bắc Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng khu dân cư Bắc Lý - Hương Lâm tại Hiệp Hòa

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư Bắc Lý - Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/500).

Theo đó, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc ranh giới hành chính xã Bắc Lý và xã Hương Lâm.

Ảnh minh họa

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 27 ha. Quy mô dân số khoảng 4.100 người. Khu dân cư Bắc Lý - Hương Lâm có tính chất là khu dân cư mới với các công trình công cộng, dịch vụ cấp đơn vị ở có kiến trúc cảnh quan đẹp được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải; công trình nhà ở, dịch vụ xã hội, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, vui chơi giải trí…

Thu Uyên (T/H)