Bất động sản

Bản tin bất động sản số 30/2022

Thứ hai, 15/8/2022 | 14:01 GMT+7
Việc nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất và làm tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho nhà nước.

Bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hàng năm

Hội Luật gia thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Tô Thị Thanh Hương, dự thảo luật đất đai sửa đổi đã phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật đất đai trong 8 năm qua.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường

Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường để đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất.

Nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất và làm tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho nhà nước.

Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất. Thành lập cơ quan chuyên trách chuyên môn tư vấn xác định giá đất phải độc lập.

Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh phải là Hội đồng độc lập với UBND cấp tỉnh, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" mà cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến tiếp thu các ý kiến đóng góp của các luật gia; các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của Luật. Các ý kiến góp ý sẽ được Hội Luật gia TP Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Vừa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai vừa bảo đảm công bằng xã hội

Tại Hội thảo về sửa Luật Đất đai do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nêu mục tiêu của Đảng và Nhà nước là sửa luật để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; vừa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai vừa bảo đảm công bằng xã hội. 

Cần quy định cụ thể hoạt động giải phóng mặt bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích, không để người dân bị thiệt. Tuy nhiên, nhiều quy định cần chi tiết ở dự thảo vì trong 237 Điều của Luật có hơn 70 Điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, đề nghị dự thảo luật càng chi tiết cụ thể để khi có hiệu lực các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể thực hiện được ngay.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và không ai bị bỏ lại phía sau, khi đó, sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Khi bàn vấn đề từ góc độ các lợi ích, cần lưu ý hài hòa là mục tiêu lý tưởng nhưng xung đột là trạng thái thực tế, ở mọi nơi, mọi lúc. Do đó, hơn lúc nào hết, các chính sách hàm chứa trong luật cần được bàn thảo công phu, giải trình minh bạch và thông qua dân chủ.

Hai chính sách nổi bật về nhà ở, đất đai có hiệu lực từ ngày 15/8

Từ ngày 15/8, một số quy định về sử dụng thông tin liên quan đến thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể, theo Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (có hiệu lực từ 15/8), các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trừ cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và cơ quan quản lý nhà nước liên quan) có nhu cầu sử dụng thông tin phải nộp kinh phí khai thác sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.

Từ ngày 15/8, một số quy định về sử dụng thông tin liên quan đến thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bắt đầu có hiệu lực

Cũng theo Nghị định trên, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ phải gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu trực tiếp theo hình thức văn bản cho bên cung cấp (gửi qua đường công văn, fax, bưu điện) hoặc đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của bên cung cấp.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên cung cấp sẽ xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hợp lệ.

Nghị định cũng quy định 3 cách để biết thông tin về thị trường bất động sản, thông qua cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng; phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu; hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin và bên khai thác sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Cũng từ ngày 15/8/2022 tới, chính sách mới về đất đai liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo sẽ chính thức được áp dụng theo quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo đó, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện bằng hình thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ xây mới/sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với UBND xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách trung ương.

Tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ gồm: chưa có nhà/có nhà nhưng nhà ở không bền chắc khi có ít nhất hai trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái làm bằng vật liệu không bền chắc; diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chính sách khác.

Thông tư 01/2022/TT-BXD cũng quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên khi hỗ trợ như sau: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

Với các hộ cùng mức ưu tiên, việc hỗ trợ thực hiện theo thứ tự: hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn; hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở; hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

Kim Huyền (t/h)