Bất động sản

Bản tin bất động sản số 28/2022

Thứ hai, 25/7/2022 | 10:20 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Quyết định số 857/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng Ban thường trực. Phó Trưởng Ban gồm: lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Quốc hội; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực công tác được giao và tuân thủ các quy định về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành. Đôn đốc Bộ, ngành mình góp ý trong quá trình soạn thảo luật.

Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các ủy viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định; tổng hợp danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; quyết định thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hà Nội chuẩn bị đấu giá hàng loạt thửa đất tại Mê Linh và Đông Anh

Tại Hà Nội, huyện Mê Linh đang tập trung hoàn thiện thủ tục để đưa ra đấu giá 106 thửa đất tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8, trong khi huyện Đông Anh ngày 30/7 sẽ tổ chức đấu giá 20 thửa đất.

Cụ thể, huyện Mê Linh đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá đối với 2,36 ha đất liên quan đến 139 hộ dân tại các xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiền Phong và thị trấn Quang Minh. Địa phương phấn đấu tổ chức thành công đấu giá 6 dự án với diện tích 3 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 565 tỷ đồng.

Hà Nội chuẩn bị đấu giá nhiều thửa đất tại hai huyện Mê Linh và Đông Anh

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, đơn vị đang tham mưu UBND huyện hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đấu giá 106 thửa đất, tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8 bao gồm: điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông; điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm; điểm nhỏ lẻ, xen kẹt tại thị trấn Chi Đông và điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (đợt 2). Tổng diện tích quỹ đất đấu giá khoảng 11.085 m2, dự kiến số tiền thu về hơn 503 tỷ đồng.

Các thửa đất có tổng diện tích 3.412,7 m2 (từ 67,4 m2 đến 193 m2). Giá khởi điểm 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm hơn 129 tỷ đồng.

Còn tại huyện Đông Anh, Hà Nội, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt thông báo tổ chức đấu giá 20 thửa đất trên địa bàn huyện cũng vào ngày 30/7.

Tổng cộng có 13 thửa đất tại khu đất X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ và 7 thửa tại khu đất X7 thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh.

Các thửa đất này có diện tích từ 70 m2 đến 108 m2, giá khởi điểm từ 18 triệu đồng đến 55,1 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ 252 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/hồ sơ tham gia đấu giá. Tiền mua hồ sơ 500 nghìn đồng/bộ.

Chuyển mục đích sử dụng đất, xây cụm công nghiệp tại Đồng Tháp

Theo công văn số 655/TTg-NN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chấp thuận UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định chuyển mục đích sử dụng 39,75ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án cụm công nghiệp Quảng Khánh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định đầu tư dự án và nội dung đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên; chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan.

Một góc thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp)

UBND tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thẩm định hồ sơ và nội dung đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Hạ Quyên (t/h)