Bất động sản

Bản tin bất động sản số 3/2019

Thứ hai, 18/11/2019 | 08:20 GMT+7
Nhà ở xã hội Hoàng Gia, Bắc Ninh lộ nhiều sai phạm, Hà Nội có thể chi hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua

Thanh tra dự án nhà ở xã hội Hoàng Gia, lộ loạt sai phạm

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa có kết luận thanh tra dự án khu nhà ở xã hội Hoàng Gia tại phường Vũ Ninh và Kinh Bắc, TP Bắc Ninh.

Nhà ở xã hội Hoàng Gia để xảy ra hàng loạt sai phạm

Theo kết luận, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hoàng Gia để xảy ra nhiều sai sót trong quá trình triển khai, xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án khi chưa có giấy phép xây dựng (thi công 12/2016 nhưng giấy phép xây dựng cấp 28/7/2017) và thi công khi chưa có bản vẽ thi công được phê duyệt.

Không những thế, Công ty TNHH Hoàng Gia thiết kế, sử dụng nhiều tiêu chuẩn về xây dựng đã hết hiệu lực và được thay thế bằng tiêu chuẩn mới trong hầu hết các hạng mục của dự án. Thiết kế chống thấm, chống nóng cho sàn mái bê tông cốt thép toà nhà chưa bảo đảm theo yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc.

Chủ đầu tư cũng tự ý “cắt bớt” chiều cao thông thuỷ các phòng ở và phòng vệ sinh. Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, chiều cao thông thuỷ tối thiểu của phòng ở là 2,7m, nhà vệ sinh tối thiểu là 2,4m nhưng thực tế thi công chỉ cao 2,4m với phòng ở và 2,3m với phòng vệ sinh.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng lên dự toán trùng lặp, tổng số dự toán phải giảm trừ sau thanh tra là hơn 95 tỷ đồng. Đặc biệt chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà khi chưa được phê duyệt giá bán và xác nhận đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

Hà Nội: Quy định tiêu chí 10 điểm ưu tiên cho người mua nhà ở xã hội

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 25/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý bán, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/11/2019.

Theo đó, việc quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thông tư, nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành, hướng dẫn, UBND TP Hà Nội quy định rõ tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên.

Trong đó, người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, công dân Thủ đô ưu tú đạt thang điểm cao nhất (10 điểm).

Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, công nhân có tay nghề bậc cao nhất của ngành được xét 8 điểm. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được xét 6 điểm; người được nhận Bằng khen của UBND TP, danh hiệu "Người tốt, việc tốt"... được xét 2 điểm.

Điểm đáng chú ý tại Quyết định này là nhằm thắt chặt quản lý việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng, UBND TP quy định, sau khi ký hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình.

Hà Tĩnh gọi đầu tư vào sự án khu đô thị Hàm Nghi 24.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2019 (đợt 6). Theo đó, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị Hàm Nghi với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 136,8 ha, thuộc các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) và các xã Thạch Tân, Thạch Đài (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Khu đất chưa được giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm. Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh được giao làm bên mời thầu.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi hoàn thành, dự án sẽ là khu đô thị mới với các khu chức năng: nhà ở (gồm nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư), công trình công cộng, công trình hỗn hợp, trường học, bệnh viện, cây xanh, thể dục thể thao, mặt nước, giao thông, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật khác...

Buộc dự án Napoleon Castle 1 dừng bán căn hộ

Ngày 11/11, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa xác nhận đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Cat Tiger Khareal dừng ngay việc ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án chung cư Napoleon Castle 1. Công trình này ở 25 - 26 Nguyễn Đình Chiểu, TP Nha Trang, được xem là tòa nhà cao nhất TP Nha Trang với thiết kế 40 tầng nổi, ba tầng hầm gồm 814 căn hộ và 10 căn shophouse do công ty trên làm chủ đầu tư (CĐT).

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa yêu cầu CĐT khẩn trương có văn bản báo cáo sở kèm theo các giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua nhà và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán nhà ở đó, các giấy tờ chứng minh việc ký hợp đồng mua bán căn hộ đã được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của CĐT theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Theo báo cáo thì đến nay CĐT đã bán ra 655 căn hộ tại dự án trên. Sở Xây dựng khẳng định việc công ty ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án trên là chưa có cơ sở thực hiện, không phù hợp với ý kiến của sở.

Hà Nội có thể chi hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 1.330 ha. Tuy nhiên, theo nhận định chung, phần lớn các cụm công nghiệp của Hà Nội hiện chưa có hạ tầng đồng bộ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, an toàn lao động cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường.

Cụ thể, 17 cụm công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư nên không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng; 27 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng; 44 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 59 cụm công nghiệp chưa có bãi tập kết, phân loại chất thải rắn. Đáng lo ngại nhất là hầu hết cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định...

Một cụm khu công nghiệp tại Hà Nội. (ảnh: Internet)

Trước thực tế này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn 4517/UBND-KT về "Tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố”, yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Công văn này cũng yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND TP ban hành “Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố” làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các cụm công nghiệp.

Đáng chú ý, Sở Công thương đang xây dựng dự thảo, tham mưu UBND TP phê duyệt "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023" với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 4.075,3 tỷ đồng.

Đà Nẵng sắp thu hồi hơn 437ha đất của 79 công trình, dự án

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, UBND TP Đà Nẵng cơ bản thông qua danh mục 79 công trình, dự án cần thu hồi đất năm 2020 với diện tích đất cần thu hồi là 437,2030ha; danh mục 13 công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2020 (với diện tích đất trồng lúa cần chuyển mục đích sử dụng là 19,8317ha, diện tích đất rừng cần chuyển mục đích là 0,32ha) để trình HĐND trong kỳ họp cuối năm 2019.

Đây là các công trình dự án đã được phê duyệt quy hoạch và đã được ghi vốn thực hiện, hoặc các dự án hiện đang trình phê duyệt quy hoạch nhưng đã được HĐND TP thống nhất triển khai để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đất tái định cư phục vụ giải tỏa.

Đối với việc thực hiện dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và Cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2013  -2019, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2019, tổng số thửa đất đưa vào cơ sở dữ liệu đạt được là: 475.480 thửa/352.830 thửa dự kiến, đạt 134,7%.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng hệ thống cổng thông tin đất đai để cung cấp cung cụ tiếp cận thông tin đất đai đến với cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và công dân gồm các thông tin thông tin địa chính, giá đất, quỹ đất kêu gọi đầu tư, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai… Dự kiến, tháng 12/2019 sẽ được đưa vào vận hành chính thức, đáp ứng được các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Mạnh Tùng (t/h)