Bất động sản

Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng cao ốc trên “đất vàng” 94 Lò Đúc?

Thứ năm, 7/11/2019 | 14:50 GMT+7
Khu đất “vàng” 94 phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội trước đây là Nhà máy Rượu Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời từ năm 2013 phục vụ mục đích công cộng. Thế nhưng thời gian gần đây có thông tin về một dự án tổ hợp chung cư cao cấp do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư sẽ được xây dựng tại địa chỉ này.

Biến đất công thành đất tư?

Vào năm 2013 trước sức ép thiếu trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Thủ tướng chính phủ đã chấp nhận chủ trương di dời Nhà máy Rượu Hà Nội để xây dựng trường học, khu vui chơi tại khu đất 94 Lò Đúc để đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân.

Ô đất trên mặt đường Lò Đúc vốn là đất thuộc Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội

Đồng thời, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vào ngày 5/7/2013, trả lời chất vấn của đại biểu tổ quận Hai Bà Trưng về hai dự án trường học ở hai ô đất này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố (nay là Chủ tịch HĐND TP) cho biết, UBND thành phố thống nhất thu hồi hai ô đất và giao UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư để xây trường học.

Tại hồ sơ Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 đã được Sở Quy hoạch-Kiến trúc chấp thuận kèm theo công văn số 1724/QHKT-TH ngày 02/6/2011, trong đó đã xác định ô đất số 9 dành để xây dựng trường học (phục vụ việc tách cấp trường THCS và Tiểu học Lê Ngọc Hân), khu đất có diện tích đất khoảng 3.535m2; Diện tích xây dựng: 1.284m2; Tổng diện tích sàn xây dựng: 4.424m2; Tầng cao công trình: 2-4 tầng; Mật độ xây dựng khoảng 36,3%.

Ngày 31/7/2013, UBND Thành phố đã có Thông báo số 220/TB-UBND chấp thuận ô đất nêu trên để xây dựng trường học và giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện thủ tục thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và thực hiện đúng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên website: //tanhoangland.com của Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại xuất hiện quảng cáo giao bán, đặt chỗ căn hộ dự án “Tân Hoàng Minh – 94 Lò Đúc” với lời giới thiệu “ngọt ngào”, dự án sẽ được xây dựng gồm khách sạn, trung tâm thương mại, trường học… gồm hai khối nhà L1 xây 33 tầng, khối tòa L2 xây cao 35 tầng, khách hàng mua căn hộ tại dự án sẽ được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.

Dưới danh nghĩa người mua, PV đã gọi điện đến đường dây nóng số 0944526770, để trao đổi rõ hơn về dự án Tân Hoàng Minh – 94 Lò Đúc và được nhân viên cho biết: “Dự án bên em đầu năm 2020 mới triển khai, vì hiện chưa được cấp giấy phép xây dựng”.

 Phố cảnh dự án "Tân Hoàng Minh - 94 Lò Đúc"

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo khảo sát của PV từ khi thu hồi tới nay, khu đất 94 Lò Đúc luôn được quây tôn kín, chưa có dấu hiệu xây dựng trường học. Tuy nhiên điểm đặc biệt ở đây đó là chủ trương của thành phố khu đất này sẽ được xây dựng công viên, trường học nhưng khu đất này hiện nay lại được giao cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án. Và công ty này đã sử dụng khu đất để thế chấp, vay tiền của ngân hàng.

Cụ thể, ngày 25/2/2014, Công ty Thiên Bình ký hợp đồng thế chấp số 210/2014/HĐTCTL-BTB/SHB.BN với SHB Chi nhánh Bắc Ninh. Theo đó, tài sản thế chấp là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2014/HĐ/TB-TS ký giữa Công ty Thiên Bình và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn ngày 25/1/2014. Bao gồm toàn bộ Dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại – Công trình CT1 tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tới tháng 12/2018, Công ty Thiên Bình tiếp tục thế chấp dự án 94 Lò Đúc tại SHB Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ở lần thế chấp này, hạn mức cho vay lên tới hơn 237 tỷ đồng. Theo nội dung Hợp đồng số 239/2018/HĐTC-BTB/SHB.111200 ngày 29/12/2018, thì chủ đầu tư đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại số 94 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sau 6 năm, trường học quận Hai Bà Trưng vẫn thiếu, đất vẫn được quây tôn kín và doanh nghiệp công khai quảng cáo sẽ xây dựng trung tâm thương mại, thế chấp vay ngân hàng. Vậy trách nhiệm của chính quyền quận Hai Bà Trưng, UBND TP Hà Nội trong dự án này như thế nào khi chủ trương xây dựng công trình công cộng đang bị biến tướng?

Bên cạnh đó, vai trò của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong dự án này như thế nào? Liệu Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình là sân sau của Tập đoàn Tân Hoàng Minh?

Tạp chí Điện tử Năng lượng Sạch Việt Nam tiếp tục thông tin tới độc giả trong những bài sau.

Mạnh Tùng