Bất động sản

Bản tin bất động sản số 3/2023

Thứ hai, 16/1/2023 | 07:45 GMT+7
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Theo dự thảo, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ảnh minh họa

Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:

Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do nhà nước đầu tư; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm: dự án tái định cư; dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên; dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án xây dựng nhà ở công vụ; dự án xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án xây dựng cơ sở tôn giáo; dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án lấn biển.

Dự án, công trình phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện gồm: dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khai thác khoáng sản; dự án chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.

Phát triển an toàn, bền vững thị trường bất động sản

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.

Lành mạnh hóa, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững thị trường bất động sản

Triển khai Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai kết nối với hệ thống thông tin đất đai quốc gia thống nhất, tập trung.

Rà soát, xử lý hiệu quả các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc của các dự án sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đưa các nguồn lực vào phát triển.

Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) khi được phê duyệt. Tập trung thực hiện các chương trình phát triển nhà ở tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố Hà Nội đã lựa chọn chủ đầu tư cải tạo 10 chung cư cũ

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2022, Sở Xây dựng đã chủ trì chấp thuận nhiệm vụ kiểm định nhà chung cư đối với 13/15 quận, huyện và đang tiếp tục đôn đốc các quận, huyện còn lại hoàn thành phê duyệt theo quy định. Sở cũng chủ động có văn bản hướng dẫn các quận, huyện phê duyệt đề cương kiểm định chung cư cũ theo quy định. Đến nay, đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành “Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” và 5 kế hoạch thực hiện đề án.

Thành phố đã rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và 1 chung cư đang trình UBND thành phố chấp thuận chủ đầu tư.

Thành phố Hà Nội đã rà soát 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Trong năm 2022, đã có 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa.

Ngoài ra, có 7 dự án đang triển khai gồm: nhà A&B khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; khu tập thể dịch vụ vận tải đường sắt, quận Hoàng Mai; chung cư số 148 - 150 Sơn Tây, quận Ba Đình; khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Hạ Quyên