Bất động sản

Bản tin bất động sản số 33/2022

Thứ hai, 26/9/2022 | 11:28 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP ngày 22/9/2022 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19.

Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022

Theo đó, Chính phủ thống nhất dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kèm theo công văn số 9154/TTr-BTC ngày 13/9/2022 của Bộ Tài chính.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan về các thông tin, số liệu báo cáo.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Chính phủ thống nhất dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo Bộ Tài chính, số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 3.433 tỷ đồng. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, số tiền thuê đất, thuê mặt nước dự kiến giảm năm 2022 khoảng 3.500 tỷ đồng. Chính sách này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật

Theo chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan rất lớn, theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh những khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Đây cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện việc thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật phải bám sát các chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa.

Về quan điểm xây dựng luật, ngoài quan điểm đã nêu trong dự án luật, Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định. Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay.

Đối với việc áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan thẩm tra cần xem xét để thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật. 

Triển khai 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Bình Phước

Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030. giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 54 dự án phát triển nhà ở có bố trí đất nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 321 ha. Có hai dự án nhà ở xã hội độc lập và một dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng với 847 căn nhà đã được xây dựng hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 435 cá nhân, hộ gia đình.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2030 tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người. Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội là những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như: Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Bình Phước mời gọi đầu tư nhà ở xã hội đối với 9 dự án, gồm 6 dự án nhà ở cho công nhân và 3 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20%.

Khánh Nam (t/h)