Bất động sản

Bản tin bất động sản số 4/2021

Thứ hai, 22/2/2021 | 09:53 GMT+7
Doanh nghiệp bất động sản rục rịch "bung hàng" đầu năm, Đà Nẵng ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa 249 dự án trong năm 2021... là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Doanh nghiệp bất động sản rục rịch “bung hàng” đầu năm

Ngay từ những ngày đầu năm, giới chuyên gia đã đánh giá, cả năm 2021 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trên đà phục hồi, tăng trưởng trở lại nhờ những tác động tích cực từ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và một số cơ chế chính sách mới được Nhà nước ban hành.

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2020, thị trường đã phải hứng chịu nhiều khó khăn, thăng trầm. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề nhưng thị trường bất động sản vẫn có điểm sáng đáng kể đó là lực cung. Mặc dù kinh tế suy giảm, cũng ít nhiều làm suy giảm cầu mua nhà và đầu tư nhưng theo dõi trên thị trường, lực cung vẫn mạnh, nhu cầu nhà đầu tư trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn.

Những dự báo tươi sáng về thị trường là đòn bẩy cho các doanh nghiệp tự tin đặt ra kế hoạch lớn trong giai đoạn sắp tới. Theo báo cáo mới nhất của Colliers International Việt Nam, dự kiến trong năm 2021, TPHCM đón nguồn cung hơn 4.000 căn nhà phố. Trong đó, thị trường khu Đông Bắc sẽ nóng hơn với sự ra đời của TP Thủ Đức. Dữ liệu của Colliers cho biết, có 6 dự án từ khu vực Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ mang đến nguồn cung cho TPHCM trong thời gian tới.

Đà Nẵng ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa 249 dự án trong năm 2021

Ngày 21/2, Chủ tịch UBND TP Đã Nẵng Lê Trung Chinh ký quyết định số 476/QĐ-UBND ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa 249 dự án trên địa bàn TP năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, TP Đà Nẵng sẽ tiến hành đền bù giải tỏa 249 dự án, được chia làm 3 nhóm.

Trung tuần tháng 1/2021, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng đang làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP

Một là nhóm I/2018 gồm 17 dự án là nhóm các dự án, công trình đã cam kết hoàn thành đền bù giải tỏa năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, thống nhất tiến độ gia hạn hoàn thành công tác đền bù giải tỏa đến ngày 30/4/2021.

Hai là nhóm I/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án yêu cầu hoàn thành công tác đền bù giải tỏa trong năm 2021.

Ba là nhóm II/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm 2021 và năm 2022.

Quyết định số 476/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu chi tiết kế hoạch triển khai các dự án theo từng địa bàn, từng nhóm cụ thể. Đồng thời đề nghị Thường trực các quận, huyện ủy bám sát, chỉ đạo UBND các quận, huyện và cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận, huyện, nhất là các dự án thuộc nhóm I/2018 và nhóm I/2021 hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng đã cam kết.

Triển khai kế hoạch về đền bù giải tỏa đến các đơn vị, địa phương liên quan, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, yêu cầu các đơn vị tập trung tốt nhất cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án trên địa bàn đúng tiến độ. Kiểm tra, xếp loại thi đua hàng tháng đối với các đơn vị và cá nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Các sở, ngành và đơn vị liên quan khác được yêu cầu tập trung ưu tiên giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, rút gọn trình tự thủ tục để hỗ trợ trong việc giải quyết các công việc và vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải tỏa. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng tình hình đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn TP tại cuộc họp giao ban các công trình trọng điểm động lực và công tác đền bù giải tỏa trên địa bàn TP.

Khánh Hòa chi gần 60 tỷ đồng lập quy hoạch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng chi phí cho việc lập quy hoạch 59,6 tỷ đồng gồm: đánh giá báo cáo môi trường chiến lược; lựa chọn tổ chức tư vấn; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn…

Nội dung quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch 2017 và Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Khánh Hòa;

Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh...

Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trước đó, vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ yêu cầu về nội dung lập quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này, tổ chức lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Sau đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bắc Ninh: Thủ tướng chấp thuận dự án khu công nghiệp gần 3.000 tỷ

Theo đó, dự án khu công nghiệp Thuận Thành I quy mô hơn 249 ha, nằm địa phận 3 xã: Ninh Xá, Trạm Lộ và Nghĩa Đạo của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 2.847,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là Viglacera là hơn 859,7 tỷ đồng.

Dự án có tiến độ không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất, được hoạt động 50 năm kể từ ngày 17/2/2021.

Dự án khu công nghiệp Thuận Thành I quy mô hơn 249 ha, nằm địa phận 3 xã: Ninh Xá, Trạm Lộ và Nghĩa Đạo của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình, thẩm định, triển khai dự án. Tỉnh cũng đồng thời chịu trách nhiệm việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, tổ chức thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Để đảm bảo dự án được thực hiện, Bắc Ninh cần giao cho Ban quản lý các khu công nghiệp buộc các nhà đầu tư phải ký quỹ. Đồng thời, nhà đầu tư chỉ được triển khai sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư khi phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền...

Thu Uyên