Bất động sản

Bản tin bất động sản số 43/2022

Thứ hai, 7/11/2022 | 08:00 GMT+7
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 1/11, tại Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng. Đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường. Tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất. Quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong quá trình thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau về: mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm". Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ninh Thuận sẽ công bố, công khai thông tin về các dự án bất động sản

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa yêu cầu Sở Xây dựng kịp thời công bố, công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, thông tin về các dự án nhà ở, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đồng thời, Sở Xây dựng được yêu cầu khẩn trương hoàn thành điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn.

Ninh Thuận sẽ công bố, công khai thông tin về các dự án bất động sản

UBND tỉnh Ninh Thuận lưu ý Sở Xây dựng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong việc huy động vốn của dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là hình thức huy động vốn bằng việc bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai…

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công khai danh mục các dự án thu hút trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư nhà ở, bất động sản.

95 nhà chung cư tại Hà Nội chưa bàn giao đủ kinh phí bảo trì

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại, chung cư nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng. Trong đó có 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005. Xu hướng xây dựng chung cư trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư, hiện trên địa bàn Thành phố còn 95 nhà chung cư chủ đầu tư chưa bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì cho ban quản trị quản lý theo quy định. Nguyên nhân là do chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất quyết toán kinh phí bảo trì theo quy định.

Với những chủ đầu tư đang nợ hoặc chây ì nộp kinh phí bảo trì, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại, chung cư nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng

Trường hợp chủ đầu tư cố tình không bàn giao, Sở Xây dựng sẽ trình UBND Thành phố Hà Nội quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế chủ đầu tư để bàn giao cho ban quản trị.

Ngoài ra, hàng năm, Sở Xây dựng đã giao Thanh tra Sở thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có việc quản lý, bàn giao, sử dụng kinh phí bảo trì.

Hạ Quyên (t/h)