Bất động sản

Bản tin bất động sản số 47/2022

Thứ hai, 5/12/2022 | 07:45 GMT+7
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn.

Hà Nội khắc phục tồn tại trong quản lý nhà chung cư tái định cư

Theo UBND Thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 149 tòa; Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tòa; Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.

Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư đã được các cấp, các ngành Thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư đã từng bước đi vào nền nếp góp phần bảo đảm bảo trật tự, an toàn, cải thiện điều kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới đạt được 113/199 tòa chung cư. 

Công tác bàn giao kinh phí 2%, bàn giao hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà tái định cư, công tác quản lý vận hành nhà chung cư... của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà cho ban quản trị còn chậm và đạt tỷ lệ thấp.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội

Nhiều ban quản trị đã được thành lập nhưng lại không tiếp nhận công tác quản lý vận hành của tòa nhà, không lựa chọn và không ký hợp đồng với các đơn vị quản lý vận hành để quản lý vận hành tòa nhà.

Bên cạnh đó, công tác bảo trì sửa chữa đối với nhà tái định cư của các đơn vị quản lý vận hành cũng còn chậm so với kế hoạch được giao và chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân...

Đặc biệt, UBND Thành phố cho biết, hiện nay còn 223 căn hộ vi phạm, do các cán bộ thuộc xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho các hộ gia đình vào ở khi những hộ này chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà.

Để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, UBND Thành phố giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền đảm bảo quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. 

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại hạn chế...

Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện và đơn vị liên quan có trách nhiệm căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tại kế hoạch để triển khai hoặc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý. Định kỳ 6 tháng và 1 năm, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện qua Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo.

TPHCM tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở

UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận chỉ đạo của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp ngày 17/10 với Sở Xây dựng. Tại cuộc họp này, Sở Xây dựng TPHCM báo cáo tiến độ đầu tư xây dựng 18 dự án nhà ở, trong đó có 12 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và 6 dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 18 dự án nhà ở đều gặp khó khăn vì các quy định pháp luật nên không thể triển khai xây dựng. Sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành khẩn trương tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở.

TPHCM tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở

Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (Hepza), UBND các quận huyện Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình nhanh chóng đề xuất tham mưu cho lãnh đạo Thành phố các phương án, hướng giải quyết.

“Việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án đối với các nhóm nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, chung cư cũ, nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố cần phải xây dựng đề án và thành lập ban chỉ đạo cấp Thành phố để tập trung chỉ đạo thực hiện; riêng nội dung thực hiện đầu tư xây dựng dự án đối với nhóm nhà chung cư mới thay thế chung cư cũ, nhà ở thay thế nhà trên và ven kênh rạch cần thành lập các tổ công tác gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn để tham mưu giúp UBND Thành phố, ban chỉ đạo triển khai thực hiện các nhóm công việc”, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ.

Cũng tại thông báo này, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND các quận - huyện và thành phố Thủ Đức nghiên cứu, tham mưu xây dựng đề án cho các nhóm nhà ở nêu trên. Thành lập ban chỉ đạo cấp Thành phố và tổ công tác để triển khai thực hiện.

Sắp có luật đánh thuế đối với nhà đất

Bộ Tài chính vừa có quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Theo quyết định này, Bộ Tài chính lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành Luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.

Về định hướng xây dựng Luật thuế liên quan đến tài sản, Bộ Tài chính cho rằng sẽ rà soát thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Quan điểm tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.

Hạ Quyên (t/h)