Bất động sản

Bản tin bất động sản số 9/2021

Chủ nhật, 4/4/2021 | 23:44 GMT+7
Hà Nội tái giám sát nhiều dự án chậm triển khai tại quận Nam Từ Liêm; Thái Nguyên tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.

Hà Nội: Tái giám sát nhiều dự án chậm triển khai tại quận Nam Từ Liêm

Ngày 1/4, đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Theo đó, đoàn giám sát đã đi thực tế tại 3 dự án: đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, do Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà làm chủ đầu tư; xây dựng Khách sạn Hoa Sen, tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, do Công ty TNHH MTV PT Khách sạn Hoa Sen làm chủ đầu tư; xây dựng Trung tâm dạy nghề Cửu Long, tại xóm 8, thôn Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ liêm, do Công ty CP sản xuất và Xuất Nhập khẩu Cửu Long làm chủ đầu tư.

Hiện tại trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có nhiều dự án đã được cấp phép nhưng chưa được giao đất

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, theo báo cáo số 57 ngày 17/7/2018 của HĐND thành phố, trên địa bàn quận có 48 dự án chậm triển khai. Qua rà soát, có 12/48 dự án được chấp thuận đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị quận Nam Từ Liêm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đã được duyệt. Đồng thời đề nghị các sở, ngành thành phố tổng hợp các kiến nghị của quận, đặc biệt đối với nhóm dự án tại quận Nam Từ Liêm đã có quyết định giao đất.

Thái Nguyên tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất

Trước tình trạng sốt đất đang xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo tới các Sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Theo đó, Thái Nguyên sẽ thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng sẽ thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản…

Quận 10 (TPHCM) thông tin về việc xử lý các công trình trái phép quy mô lớn trên địa bàn

Theo ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, từ cuối năm 2018 đến 2019, ở phường 12 có 6 công trình (740/15A+17, 766/12 đường Sư Vạn Hạnh, 252/43, 252/45 đường Cao Thắng, 839/10 đường Lê Hồng Phong, 42/2 đường Trần Thiện Chánh) xây dựng sai phép, không phép. Đây là những công trình vi phạm quy mô lớn, tăng từ 2 - 3 tầng, lấp các ô thông tầng... Tại thời điểm lập biên bản xử lý, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích vi phạm 400 - 600m2/công trình, thậm chí có công trình diện tích vi phạm lên đến 900m2.

Phó Chủ tịch UBND quận 10 cho biết thêm, dù quận nhiều lần mời chủ đầu tư lên giải thích về tầng cao tối đa khu vực này 6 - 7 tầng, tùy theo chức năng tuy nhiên, chủ đầu tư bất chấp, cho xây vượt lên 9 - 10 tầng. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư còn tự ý chuyển đổi công năng công trình làm khách sạn, karaoke. Các công trình vi phạm nêu trên đã được Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM và UBND quận 10 lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế, tuy nhiên việc cưỡng chế, xử lý đang gặp rất nhiều khó khăn.

Dù đã rõ sai phạm, công tác xử lý các công trình xây dựng sai phép vẫn gặp rất nhiều khó khăn

Để việc xử lý được chặt chẽ, quận đã có văn bản trả lời chủ đầu tư, báo cáo UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM về các công trình vi phạm cũng như việc tổ chức cưỡng chế. Hiện nay, phương án tháo dỡ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước tiên, quận sẽ cưỡng chế công trình 766/12 đường Sư Vạn Hạnh. Đây cũng là công trình vi phạm mà người dân có đơn thư phản ánh, yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý. Công trình vi phạm này có quy mô lớn, thời gian xử lý công trình dự kiến kéo dài từ 30 - 60 ngày. Đối với 5 công trình còn lại, quận sẽ xử lý vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2021. Quận sẽ xử lý nghiêm các công trình vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bắc Ninh thành lập cụm công nghiệp Cao Đức - Vạn Ninh 54,4 ha

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập cụm công nghiệp Cao Đức - Vạn Ninh với diện tích khoảng 54,4 ha tại xã Cao Đức và xã Vạn Ninh (Gia Bình).

Theo đó, cụm công nghiệp Cao Đức - Vạn Ninh sẽ thu hút các doanh nghiệp với các ngành nghề chủ yếu: sản phẩm ngành dệt, may; cơ khí chế tạo; sản xuất, chế biến nguyên liệu, nhiên liệu; chế biến nông sản; vật liệu xây dựng...

Công ty CP Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Nam Bắc Ninh (Xuân Lai, Gia Bình) là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với quy mô: đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông, thoát nước mưa, thoát và xử lý chất thải, cấp nước, điện, thông tin liên lạc), phòng chống cháy nổ và các dịch vụ khác cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa, nguyên vật liệu, phụ liệu phụ trợ khác...

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 565 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong năm 2021 và 2022.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu làm rõ thông tin nhà ở xã hội bị rao bán trên mạng

Trước thông tin nhà ở xã hội được rao bán trên mạng với giá cao hơn thực tế, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có yêu cầu kiểm tra thông tin và sớm báo cáo vụ việc về tỉnh.

Ngày 31/3, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản gửi các đơn vị yêu cầu kiểm tra, báo cáo vụ việc nhà ở xã hội dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, xác minh và làm rõ nội dung báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Đắk Lắk bùng nổ đầu tư bất động sản trong năm 2020. (Ảnh minh họa)

Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tiếp tay, môi giới, móc nối hay thực hiện sai quy định về việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội (nếu có). UBND tỉnh yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 10/4.

Trước đó báo chí thông tin, Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Lắk là đơn vị thực hiện đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập cho cán bộ, công chức, viên chức tại khu dân cư Km4-5, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tổng mức đầu tư (sau khi điều chỉnh) của dự án là khoảng 108 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách để xây dựng. Dự án vừa khánh thành vào tháng 12/2020 nhưng hiện nay các căn hộ ở đây được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Thu Uyên