Bản tin môi trường số 14/2021

Thứ hai, 27/9/2021 | 10:36 GMT+7
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí nhằm bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí.

WHO ban hành hướng dẫn mới về chất lượng không khí

Theo WHO, con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm sẽ có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ và một số bệnh liên quan đến đường hô hấp khác. Ước tính, những bệnh trên sẽ là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe khác như chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người

Do đó, hướng dẫn mới của WHO hướng đến mục đích bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí và trở thành tài liệu tham khảo của các Chính phủ cho những tiêu chuẩn ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo đó, hướng dẫn về chất lượng không khí 2021 mới đưa ra ngưỡng chất lượng không khí đối với 6 chất ô nhiễm không khí chính, có tác động lớn tới sức khỏe. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ những chất gây ô nhiễm không khí theo mức mà WHO vừa điều chỉnh, trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide).

Cụ thể, WHO giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3; giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20mcg/m3 xuống 15 mcg/m3. WHO cho biết, nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận về biến đổi khí hậu

Trong phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) với chủ đề "Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gióng lên hồi chuông báo động, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động và tăng cường hợp tác để tìm giải pháp cho hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại như các cuộc khủng hoảng, xung đột, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng LHQ

Tại đây, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tái thiết và phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và sạch hơn, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine phòng Covid-19.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về những lỗ hổng còn lại trong hành động của Chính phủ các nước, đặc biệt là các cường quốc công nghiệp G20 liên quan đến vấn đề tài chính, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên hành động trên 3 mặt trận: giữ mục tiêu 1,5 độ C; thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển; tăng cường tài trợ về thích ứng lên ít nhất 50% tổng chi tiêu của chính phủ cho tài chính khí hậu.

Chủ tịch nước tham dự phiên họp cấp cao HĐBA LHQ về an ninh khí hậu

Nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu.

Tại phiên họp, Chủ tịch HĐBA và các đại biểu đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà HĐBA nói riêng và LHQ nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới. Đó là, HĐBA cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó; cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo; cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thoả thuận quốc tế lớn khác.

Hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2021 trên toàn quốc

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tại buổi lễ phát động trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp, ngành, cơ quan đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện một số hoạt động như: tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn, nhất là chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các Bộ, cơ quan đoàn thể hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng rác thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng cũng thể hiện mong muốn và ra lời kêu gọi tất cả nhân dân tham gia hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những hành động thiết thực, từ những việc đơn giản, hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải từ hộ gia đình, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh, trồng thêm nhiều cây xanh, nói không với rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần… đến những giải pháp, biện pháp mang tính lâu dài như đầu tư xử lý ô nhiễm, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo tồn đa dạng sinh học…

Lâm Bảo