Bản tin môi trường số 16/2023

Thứ hai, 24/4/2023 | 09:10 GMT+7
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) vừa phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Hội nghị tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Từ đầu năm 2023 đến nay, thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường, trong đó, Việt Nam đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình.

Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung phòng ngừa, đề cao cảnh giác theo hướng "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về PCTT với sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao trách nhiệm hơn trong phối hợp cũng như phân công trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng; cần quan tâm đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng ở địa phương, lưu ý tới yếu tố ứng phó với thiên tai. Trong khi nguồn lực còn hạn chế, cần tập trung ưu tiên cho công tác cảnh báo và dự báo để sớm nhận diện thiên tai, sớm chủ động ứng phó, góp phần tiết kiệm nguồn lực…

Tập huấn về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tập huấn về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Tập huấn về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải

Tại buổi làm việc, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ các quy định cụ thể về giảm phát thải KNK, phương pháp, công cụ tính toán kiểm kê KNK, biện pháp giảm nhẹ phát thải của các doanh nghiệp tiên phong sản xuất xanh, sạch trong lĩnh vực quản lý chất thải; hệ thống báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở và thực hành tính toán giả định kiểm kê phát thải KNK. 

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang cho biết, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định các vấn đề về giảm phát thải. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng các biện pháp giảm nhẹ ngay từ bây giờ để kịp đáp ứng yêu cầu giảm phát thải KNK từ năm 2026, nếu không có thể sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường carbon và tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư.

Bà Akiko Ishii, chuyên gia đào tạo lĩnh vực tư nhân thuộc dự án SPI–NDC chia sẻ, với khung pháp lý liên quan đến báo cáo phát thải KNK, chương trình đào tạo giúp đại diện doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức chung nhất về các quy định có liên quan về báo cáo phát thải KNK, cũng như những phương pháp xác định cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực. Thông qua đó, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.

Điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 429/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Phát triển kinh tế, xã hội trên diện tích bãi sông

Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg, quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có một số sửa đổi như: về giải pháp phòng, chống lũ, các khu vực dân cư hiện có nằm ngoài bãi sông sẽ di dời các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm; từng bước thực hiện di dời các khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn (chi tiết tại Phụ lục II); rà soát, có kế hoạch từng bước di dời các hộ dân không nằm trong khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ; các khu vực dân cư tập trung hiện có tại Phụ lục III được tồn tại, bảo vệ: được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có… Riêng với khu dân cư chưa có tại Phụ lục III: UBND cấp tỉnh tổ chức xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ để đưa vào quy hoạch tỉnh và chịu trách nhiệm về số liệu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát, lập, điều chỉnh nội dung phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh. Trong đó, rà soát, lập, điều chỉnh nội dung phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch này; xác định cụ thể các khu vực công trình, nhà ở phải di dời, khu vực dân cư tập trung hiện có, khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới.

Lâm Bảo