Bản tin môi trường số 20/2023

Thứ hai, 5/6/2023 | 08:36 GMT+7
Mới đây, trưởng đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thảm họa của Liên Hợp Quốc, với chủ đề “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro vì một tương lai tự cường”.

Việt Nam đề xuất thực hiện hành động giảm thiểu rủi ro thảm họa

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, là một trong số các quốc gia hứng chịu thiên tai và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất thế giới, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện các cam kết toàn cầu để giảm thiểu rủi ro thảm họa. Với phương châm chuyển đổi từ thụ động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong quản lý rủi ro thảm họa, Việt Nam ưu tiên triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức, luật hóa, huy động tối đa nguồn lực sẵn có trong nước cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế để nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và đảm bảo tiến độ đạt được các mục tiêu của Khung hành động Sendai.

Cùng hành động để giảm thiểu rủi ro thiên tai, thảm họa vì một tương lai tự cường

Trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ và kinh nghiệm thực tế thu được thời gian qua, trưởng đoàn Việt Nam đề xuất 3 giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả Khung hành động Sendai trong thới gian tới. Đó là, cần đặt giảm thiểu rủi ro thảm họa ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó bảo đảm đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng phòng chống và quản lý rủi ro thảm họa.

Tăng cường các mối quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực về giảm thiểu rủi ro thảm họa, nhất là trong việc chia sẻ thông tin và công nghệ, hướng tới xây dựng các trung tâm dữ liệu và cảnh báo sớm về thảm hoạ ở các cấp độ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm nâng cao tính tự cường và khả năng phục hồi thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thảm họa, nâng cấp hệ thống quản trị và tài chính ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thực hiện chuyển đổi từ “quản lý thiên tai sang quản lý rủi ro” và tập trung vào phòng ngừa.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường với USAID

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với tân Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Aler Grubbs.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Bộ TN&MT luôn coi trọng và đánh giá USAID là đối tác phát triển rất quan trọng với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường với Bộ TN&MT.

Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc với tân Giám đốc USAID tại Việt Nam Aler Grubbs

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, thời gian tới, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực và hoạt động hợp tác giữa Bộ TN&MT và USAID sẽ ngày càng được mở rộng, đặc biệt trong triển khai các kết quả của Hội nghị COP26 và lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Thứ trưởng đề xuất USAID nghiên cứu cơ chế hợp tác đa phương để giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; hợp tác về điều tra cơ bản địa chất, tai biến địa chất; hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dịp này, Thứ trưởng cũng cảm ơn sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ủy hội sông Mekong quốc tế thông qua việc hỗ trợ theo dõi giám sát sử dụng nước ở lưu vực sông Mekong. 

Bà Aler Grubbs cho biết, USAID sẽ phối hợp để đưa ra ý tưởng, sáng kiến giúp Việt Nam nói riêng và khu vực Mekong nói chung đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar về các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các hoạt động tích cực của Đại sứ Kees van Baar trong việc đóng góp vào mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan, đặc biệt trong các lĩnh vực: thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ sự hỗ trợ của các đối tác Hà Lan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận tiên tiến trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước bền vững; hình thành cơ chế điều phối, phát triển vùng. Thời gian tới, hai nước có thể mở rộng phạm vi hợp tác, từ đó nâng tầm, tạo luồng sinh khí, nền móng hợp tác trên cơ sở tin cậy, hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng trao đổi với Đại sứ Kees van Baar về phương hướng hợp tác song phương trong khai thác cát ngoài khơi, chống sạt lở, bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước, bảo vệ môi trường… tại Việt Nam.

Đại sứ Kees van Baar cho rằng, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống về ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, hai nước còn có tiềm năng rất lớn trong một số lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, hình thành thị trường carbon…

Theo đó, phía Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về xây dựng chính sách, quản trị, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn tài chính xanh cho lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Ngọc Mai