WWF kêu gọi giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu trước Ngày Môi trường thế giới

Thứ hai, 29/5/2023 | 16:21 GMT+7
Mới đây, đại diện Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã đưa ra thông điệp về tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu trước sự kiện Ngày Môi trường thế giới 2023 (5/6).

Theo ông Eirik Lindebjerg, phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF, Ngày Môi trường thế giới 2023 có chủ đề “Ô nhiễm nhựa và các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhựa". Qua đó nhấn mạnh ô nhiễm nhựa là một trong những cuộc khủng hoảng môi trường đang gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu.

Do đó, trước thềm các sự kiện Ngày Môi trường thế giới 2023 cũng như cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, ông Eirik Lindebjerg nhấn mạnh thông điệp "Thế giới cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa".

Đại diện WWF kêu gọi giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu trước Ngày Môi trường thế giới

Cuộc đàm phán về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa nhằm phát triển công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa được Liên Hợp Quốc tổ chức tại Paris từ ngày 29/5 - 2/6. Đây là cuộc họp cuối cùng trước khi các nước thành viên Liên Hợp Quốc bước vào thảo luận văn bản pháp lý, vì vậy đòi hỏi các Chính phủ cần tham gia cuộc họp với tham vọng lớn và sẵn sàng đưa ra các quy định toàn cầu cụ thể.

Ông Eirik Lindebjerg kêu gọi đàm phán cần tập trung vào các chi tiết nhằm giải quyết hiệu quả và công bằng vấn đề ô nhiễm nhựa. Đặc biệt, đại diện WWF kêu gọi một hiệp ước có thể cấm hoặc nhanh chóng loại bỏ dần các loại nhựa, sản phẩm, hóa chất, phụ gia có nguy cơ cao nhất khỏi chuỗi sản xuất.

Đại diện WWF còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái sử dụng và tái chế không độc hại trên quy mô lớn, cũng như vai trò quan trọng của các cơ chế hỗ trợ thích đáng cho việc thực thi hiệp ước, như hỗ trợ tài chính và hợp tác kỹ thuật. Dự kiến các cuộc thương lượng về hiệp ước trên sẽ hoàn tất vào năm 2024.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Ước tính khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển. Do đó, cần thiết và cấp thiết phải có các cơ chế, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Năm 2022, khoảng 175 quốc gia cam kết sẽ thông qua một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024 nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa. Các nước đang xem xét một loạt biện pháp như ban hành một lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền".

Mới đây, các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 - gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italia và Canada) đã cam kết đến năm 2040 chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nhựa. Các nước cho rằng mục tiêu này có thể đạt được nhờ sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và lệnh cấm hoặc hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và nhựa không thể tái chế.

Mộc Trà (T/H)