Đẩy mạnh tái chế và giảm sử dụng nhựa

Thứ sáu, 2/6/2023 | 16:29 GMT+7
Mới đây, Viện Chính sách kinh tế môi trường (EEPI), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam”.

Mở đầu tọa đàm, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, thế giới đã sản xuất ra hơn 460 triệu tấn nhựa trong năm 2022, một nửa trong số đó là các sản phẩm dùng một lần như túi nhựa, cốc và ống hút. Điều này cho thấy, nhu cầu của con người đang góp phần làm tăng lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

Trước tình trạng đó, đại diện 175 quốc gia đang ở Paris (Pháp) để họp bàn giải pháp chống khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới; dự kiến sẽ ban hành luật cấm ở quy mô toàn cầu các sản phẩm nhựa dùng một lần và áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Tại Việt Nam, trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nước ta đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Trong đó, một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Đặc biệt, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, cần cải tiến, thay đổi quá trình sản xuất công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải nhựa, khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm mới thân thiện môi trường, khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải. Bên cạnh đó, cần phát triển các công nghệ thu hồi và tái chế chất thải nhựa, giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh ra môi trường.

Tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam”

Bà Đặng Thị Kim Chi thông tin thêm, thực tế đã có nhiều giải pháp để tái chế các loại nhựa khác nhau, như tái chế bằng phương pháp cơ học với nhựa đồng nhất hoặc chất thải chứa nhựa lẫn trong nhiều loại chất thải sinh hoạt khác. Sản phẩm tái chế cơ học được sử dụng tiếp làm nguyên liệu cho các sản phảm nhựa dân dụng như ghế băng, hàng rào, trò chơi, bao bì, đồ chứa, phương tiện sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Với giải pháp tái chế hóa học, nhựa được chuyển đổi từ loại này sang loại khác, ví dụ: từ chai nhựa PP phế liệu trở thành nguyên liệu để sản xuất chai PET; từ nhựa PET thành nguyên liệu cho sản xuất vải và màng mỏng... Ngoài ra, nhựa cũng có thể được đốt để cung cấp năng lượng dưới dạng nhiệt. Giá trị năng lượng của nhựa tương đương hoặc lớn hơn so với than. Phương pháp nhiệt đốt cháy tiêu hủy các chất thải nhựa làm giảm đáng kể thể tích khối lượng chát thải nhựa, tuy nhiên lại phát sinh các khí ô nhiễm nên cần có biện pháp kiểm soát khí thải.

Cùng với tái chế, các công nghệ hiện nay cũng tập trung sản xuất các vật liệu phân hủy được sau một thời gian nhất định để thay thế nhựa, nilon khó phân hủy sinh học. Tại Việt Nam, nhựa tự phân hủy được nhiều đơn vị nghiên cứu và thương mại hóa, vừa có tính ứng dụng cao vừa đem lại hiệu quả kinh tế.

Trao đổi về giải pháp đánh bại ô nhiễm nhựa, bà Dương Thị Phương Anh, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nói chung tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua. Trong đó, các chính sách về phân loại tại nguồn và thu phí theo khối lượng/thể tích chất thải phát sinh; trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ; lộ trình cấm sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế chôn lấp trực tiếp… sẽ thúc đẩy giảm chất thải nhựa.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, nhằm tạo cơ sở để huy động nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tái chế chất thải nhựa.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, để giải quyết ô nhiễm nhựa, Chính phủ có thể tiếp cận 4 góc độ sau: cần tổ chức quản lý thu gom, phân loại tái sử dụng chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa; tăng cường áp dụng công cụ kinh tế môi trường trong sản xuất, kinh doanh và xử lý chất thải nhựa (thuế môi trường sản phẩm nhựa, xử phạt vi phạm hành chính về thải bỏ chất thải nhựa); nâng cao công tác giáo dục, truyền thông cho tất cả tầng lớp dân cư về ô nhiễm nhựa.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm để giảm ô nhiễm nhựa cần sử dụng các đòn bẩy kinh tế. Các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phân loại, tái chế chất thải nhựa cần đem lại lợi ích kinh tế cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện. Có như vậy mới có thể khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn vào quá trình giảm rác thải nhựa và đạt được các mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Phương An