Bản tin môi trường số 25/2022

Thứ hai, 4/7/2022 | 10:46 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó các vấn đề biển tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (SDG14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển (UNOC).

Việt Nam ủng hộ việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển

Với chủ đề “Nhân rộng các hành động đại dương dựa trên khoa học và đổi mới nhằm thực hiện SDG14: kinh nghiệm, đối tác và giải pháp”, hội nghị UNOC nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Tại hội nghị, các nước khẳng định đại dương có vai trò quan trọng đối với hòa bình và an ninh, sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững, sự thịnh vượng của các quốc gia.

Thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước Luật biển đảm bảo sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, trưởng đoàn Việt Nam đã có phát biểu về chủ đề “Triển khai SDG14 thông qua thực hiện Công ước Luật biển”. Theo Thứ trưởng, Công ước Luật biển đã đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong quản trị biển và đại dương; giúp làm rõ hơn quy chế các vùng biển theo Công ước là cơ sở để các quốc gia thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình, trong đó có việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển. Do đó, việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước Luật biển là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng, thực hiện SDG14.

Việt Nam ủng hộ việc đàm phán xây dựng những khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với Công ước Luật biển, trong đó có văn kiện về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia và thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam thời gian qua chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các vấn đề biển. Việt Nam đã cùng các nước thành lập Nhóm bạn bè Công ước Luật biển, đồng chủ trì các hội nghị quốc tế về nhiều chủ đề khác nhau như Hội thảo ARF về thực hiện Công ước Luật biển, Hội nghị về rác thải nhựa đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu… 

Bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững

Tối 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu về bảo vệ tài nguyên biển và đại dương tại chương trình “Khát vọng đại dương xanh”.

Chương trình khẳng định vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của con người và nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên, môi trường biển, đảo; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, với khát vọng thịnh vượng từ biển; thể hiện ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, giữ hòa bình cho biển.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Mẹ thiên nhiên”, trong đó có biển và đại dương, là người mẹ vĩ đại che chở, nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta với trái tim bao dung, lòng nhân ái và tô điểm vẻ đẹp tâm hồn. Do đó, hành động bảo vệ, ứng xử với biển, đại dương là trả nghĩa ân tình, là trách nhiệm với "Mẹ thiên nhiên" và sự sống trên trái đất của mỗi quốc gia, mỗi con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong chương trình "Khát vọng đại dương xanh"

Do đó, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.

Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp chính đáng của các quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác.

Dự báo hiện tượng La Nina hiếm gặp có thể xảy ra

Mới đây, các nhà nghiên cứu Australia cho biết, trạng thái La Nina 2 mùa hè liên tiếp không còn là hiếm và theo các mô hình dự báo, La Nina 3 mùa hè liên tiếp hiếm gặp ngày càng có nguy cơ xảy ra.

Tiến sỹ Zoe Gillett, nhà nghiên cứu của ARC cho biết, thời tiết duy trì trạng thái La Nina 3 năm liên tiếp hiếm gặp và chỉ xảy ra 2 lần kể từ năm 1950 đến nay. Tình hình hiện nay rất khó hiểu bởi hiện tượng La Nina thường xảy ra sau khi El Nino kết thúc. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này trong những năm tới.

Sẵn sàng dự báo và ứng phó với hình thái thời tiết cực đoan

Theo đó, các nhà chức trách nên bắt đầu chuẩn bị các phương án để bảo vệ các cộng đồng dân cư vẫn còn đang khắc phục hậu quả sau nhiều trận mưa bão và lũ lụt nghiêm trọng.

Trong khi đó, một báo cáo của nhóm chuyên gia về khí hậu cảnh báo các hiện tượng La Nina và El Nino sẽ xảy ra nhiều hơn, làm gia tăng tần suất và mức độ của các trận lũ lụt và hạn hán.

Nhóm nghiên cứu nêu rõ: “Đa số mô hình dự báo khí hậu cho thấy chúng ta sẽ chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan do La Nina gây ra tăng gần gấp đôi so với thế kỷ trước, trong bối cảnh trái đất ngày càng nóng lên. Chúng ta rất có thể sẽ chịu tác động của các hiện tượng El Nino và La Nina thường xuyên hơn”.

Bảo Ngọc