Thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí tại tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ sáu, 24/6/2022 | 16:34 GMT+7
Mới đây, nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ HaUI, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện thành công đề tài Thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với tiềm năng phát triển mạnh về công nghiệp, kinh tế, du lịch nên Vĩnh Phúc đang đối mặt với thách thức về quản lý chất lượng không khí. Trên cơ sở đó, TS. Phạm Hương Quỳnh và nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ HaUI đã thực hiện đề tài Thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về phát thải một số khí thải tại tỉnh, phục vụ quản lý hiệu quả chất lượng không khí và thiết lập mô hình lan truyền ô nhiễm đa thông số của không khí. Từ đó xây dựng bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp phục vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí của tỉnh Vĩnh Phúc.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã áp dụng một số phương pháp nghiên cứu và tính toán đặc biệt, trong đó có phương pháp mô hình hóa phát thải EMISENS được sử dụng để tính toán phát thải các chất ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông; phương pháp mô hình khí tượng FVM mô phỏng các trường khí tượng và tạo file đầu vào cho mô hình chất lượng không khí; phương pháp mô hình quang hóa hóa học mô phỏng lan truyền các chất ô nhiễm không khí TAPOM từ các nguồn ô nhiễm đã kiểm kê...

Bản đồ tổng hợp phát thải CO, VOC, NOx, TSP, PM 2.5, SO2 từ hoạt động giao thông tại tỉnh Vĩnh Phúc

Qua dữ liệu thống kê và phân tích, nhóm nghiên cứu tính toán phát thải tổng hợp của từng nguồn và xác định nguyên nhân gây ra phát thải các chất ô nhiễm không khí cho tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, tổng lượng phát thải của tỉnh bao gồm lượng phát thải từ nguồn công nghiệp, phát thải từ nguồn sinh học, phát thải từ nguồn điện như hộ gia đình, dịch vụ ăn uống, hoạt động đốt rơm rạ, tiệm in – photocopy, công trình xây dựng, trạm xăng, gara, chùa, cửa hàng vật liệu xây dựng…

Từ việc tính toán tổng lượng phát thải cho từng nguồn, nhóm nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải khí thải cho nguồn giao thông và công nghiệp, với 6 bản đồ phát thải cho hoạt động công nghiệp, 6 bản đồ phát thải cho giao thông và 6 bản đồ phát thải tổng thể với các chất khí PM2.5, CO, SO2, NMVOC, NOx, TS tỷ lệ 1/50.000. Dựa trên bản đồ phát thải khí thải cho nguồn giao thông và công nghiệp, nhóm nghiên cứu tiếp tục xây dựng 4 bản đồ lan truyền ô nhiễm tỷ lệ 1/50.000 cho các chất ô nhiễm CO, O3, SO2, NOx.

Nhóm nghiên cứu nhận định: Nhìn chung các nguồn phát thải chính của Vĩnh Phúc chủ yếu từ hoạt động giao thông và công nghiệp (sản xuất xe ôtô, kim loại, sắt thép...) Dự báo đến năm 2025 và 2030, sự phát triển công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải của tỉnh sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh, kéo theo sự gia tăng dân số, diện tích đất nông lâm nghiệp giảm tạo nên sự thay đổi về phát thải của tỉnh Vĩnh Phúc.

Do đó, đề tài đã đề xuất 13 giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí cho tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó nguồn diện có 2 giải pháp chính, nguồn điểm có 8 giải pháp và nguồn đường có 3 giải pháp.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá: Đề tài Thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp xây dựng bức tranh tổng thể về tình hình ô nhiễm không khí và dự báo ô nhiễm không khí toàn tỉnh mà còn đưa ra giải pháp góp phần khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề ra.

Ngọc Tính