Bản tin môi trường số 28/2022

Thứ hai, 25/7/2022 | 09:03 GMT+7
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực với việc giải quyết được một số tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành tài nguyên môi trường đạt nhiều thành tựu trong công tác kiểm soát ô nhiễm

Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường đạt hiệu quả cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan duy trì và phát triển hoạt động quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương, trong đó tập trung trọng tâm vào các đô thị, lưu vực sông chính, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp (KCN), dự án khai thác bauxit và thủy điện.

Bên cạnh đó, các điểm nóng môi trường, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng được theo dõi thường xuyên, liên tục… thông qua hệ thống đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương, với hơn 2.500 thông tin phản ánh đã được tiếp nhận và xử lý; 12 tổ giám sát thường xuyên và hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường được xây dựng và phát triển đồng bộ với 1.234 trạm quan trắc.

Hoạt động quan trắc môi trường được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp

Bên cạnh việc kiểm soát các điểm nóng ô nhiễm, trong những năm qua, ngành TN&MT đã tập trung đẩy mạnh cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển đô thị, làng nghề và KCN; cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật, PCB và dioxin gây ra.

Bộ TN&MT cũng thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải vào lưu vực sông; tổ chức điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của các dòng chính sông liên tỉnh; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương đánh giá khả năng chịu tải và xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với dòng chính sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai - Sài Gòn, làm cơ sở để xem xét cấp phép môi trường cho các dự án đầu tư, thực hiện các mục tiêu, lộ trình giảm tải lượng ô nhiễm vào các dòng sông nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước…

Đoàn Thanh niên đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị tổng kết Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022”, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhấn mạnh: Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Đoàn xác định việc tuyên truyền, vận động, huy động thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm công tác lớn của tổ chức Đoàn, không chỉ trong giai đoạn 2019 - 2022 mà còn trong những giai đoạn tới, thực hiện đồng bộ, lâu dài và sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, qua các chiến dịch ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh cũng như thành lập, duy trì các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với bão lũ, đăng ký xây dựng tuyến phố, tuyến đường, dòng sông xanh - sạch - đẹp, nhà, chòi tránh lũ… tổ chức Đoàn đã góp phần tích cực, trực tiếp vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Thanh niên đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, quá trình triển khai Đề án  đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ cả nước như: “Cá ăn rác tại các bãi biển”, “Chợ dân sinh, chung cư giảm rác thải nhựa”, “Vườn Đoàn”, “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường”…

Trong giai đoạn này, gần 95.000 chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng – xanh - sạch - đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.

Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân vừa tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam.

Thứ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chính là đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.

Theo đó, thời gian tới, các đơn vị cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp dữ liệu giữa Trung ương với địa phương. Đặc biệt, nỗ lực đạt được mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam

Qua đây, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận đề xuất định hướng bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về quan trắc, dự báo và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn phù hợp với đặc thù của các địa phương khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, cần chú ý các giải pháp về tăng cường nguồn lực về khoa học kỹ thuật, tài chính và nhân lực để sớm đạt được mục tiêu đưa công tác quan trắc và dự báo, cảnh bảo tiếp cận các nước tại khu vực và thế giới.

Linh Giang