Bản tin môi trường số 29/2023

Thứ hai, 7/8/2023 | 08:58 GMT+7
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Đặng Thanh Mai, trong những tháng cuối năm 2023, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo, cung cấp kịp thời các bản tin KTTV về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Triển khai nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai những tháng cuối năm 2023

Mới đây, Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Tổng cục đóng góp ý kiến về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc; việc phối hợp, tiếp quản triển khai nhiệm vụ đặc thù và thường xuyên; tăng cường năng lực, chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc chuyên dùng...

Quang cảnh hội nghị

Về phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm để phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Theo dõi, hướng dẫn các Đài, trạm KTTV quốc gia cũng như các trạm KTTV chuyên dùng về công tác quan trắc, cung cấp số liệu KTTV, kịp thời phục vụ tốt công tác cảnh báo, dự báo KTTV; triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm KTTV theo định hướng bám sát trạm, đảm bảo quản lý chặt chẽ các thay đổi thông tin của trạm, Đài; tập trung vào công tác kiểm tra đột xuất các trạm.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng ban hành quy chế chia sẻ và bảo mật thông tin, dữ liệu KTTV đối với các đơn vị, cá nhân do Tổng cục quản lý; quy định về thời gian, phương thức lưu trữ dữ liệu khí tượng thủy văn đối với các đơn vị thuộc Tổng cục; tổ chức nghiệm thu khối lượng và chất lượng sản phẩm đặt hàng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV của các Đài KTTV khu vực và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023; đánh giá chất lượng điều tra cơ bản, thông tin dữ liệu, dự báo, quan trắc KTTV của các Đài KTTV khu vực năm 2023…

Cần bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển quốc tế

Trong bối cảnh nhiều đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).

Hiệp định BBNJ ra đời với mục tiêu tạo cơ sở, động lực cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Ảnh minh họa

Hiệp định không chỉ thiết lập khuôn khổ, phương thức chia sẻ công bằng lợi ích từ biển cả mà còn có các quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển; đánh giá, phòng ngừa tác động tiêu cực mà các hoạt động khai thác, nghiên cứu gây ra đối với đa dạng sinh học biển. Đây được coi là một bước tiến trong nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, được các nước thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra cuối năm 2022.

Hiệp định đồng thời thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính… Theo đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước xem xét sớm ký kết, phê chuẩn để văn bản nhanh chóng có hiệu lực, đồng thời quyết định bổ sung đề mục về BBNJ vào chương trình nghị sự hàng năm của Đại hội đồng. Hiệp định được mở ký trong vòng hai năm tính từ ngày 20/9/2023 và sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi có 60 nước gia nhập/phê chuẩn.

Giới chuyên gia khẳng định, việc các nước sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định BBNJ sẽ giúp thế giới xây dựng thêm một lá chắn để cùng nhau bảo vệ biển cả - tài sản chung quý giá của nhân loại.

ASEAN và các đối tác cùng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực môi trường

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường năm 2023, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã tham dự Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34 (ASOEN 34) tại thành phố Bogor, Tây Java, Indonesia.

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34 tại Indonesia

ASOEN 34 xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác của Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường trong năm 2022 – 2023 nhằm chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 17. Bao gồm các nội dung về biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên nước; môi trường biển và đới bờ; bảo tồn đa dạng sinh học; thành phố bền vững về môi trường; hóa chất và chất thải; giáo dục môi trường và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… đồng thời đề xuất kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN). Ngoài ra, ASOEN 34 còn xem xét và rà soát các hoạt động hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu... 

Tại hội nghị, các quan chức ASEAN cùng thảo luận và đưa ra quyết định quan trọng thuộc hoạt động của các nhóm công tác ASEAN về một số lĩnh vực môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN thường niên.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ ASOEN 34, Hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học (PSC) và Hội nghị Hội đồng quản trị của Trung tâm Đa dạng sinh học (ACB) lần thứ 25 đã được tổ chức thành công.

Bảo An (t/h)