ASEAN và các đối tác cùng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực môi trường

Thứ tư, 2/8/2023 | 17:01 GMT+7
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường năm 2023, lãnh đạo các quốc gia thành viên đang tham dự Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34 (ASOEN 34) tại thành phố Bogor, Tây Java, Indonesia.

Được biết, Lễ khai mạc trọng thể chuỗi Hội nghị ASOEN 34 và các hội nghị liên quan đã diễn ra vào ngày 1/8. Phát biểu tại buổi lễ, bà Siti Nurbaya, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm Nghiệp Indonesia nhấn mạnh, Hội nghị ASOEN 34 và các hội nghị liên quan là một chương trình nghị sự quan trọng nhằm tăng cường cam kết của các thành viên vì một hành tinh tốt đẹp hơn. Thông qua hội nghị, các bên kỳ vọng tăng cường hoạt động của các nhóm công tác, tăng cường hợp tác giữa thành viên ASEAN và các đối tác trong lĩnh vực môi trường, từ đó giải quyết thách thức đa chiều, đạt được sự phát triển bền vững...

Qua đây, đại diện Indonesia đã đề ra chiến lược với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, với hy vọng ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm, bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN. 

Theo đó, ASOEN 34 xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác của Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường trong năm 2022 – 2023 nhằm chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 17. Bao gồm các nội dung về biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên nước; môi trường biển và đới bờ; bảo tồn đa dạng sinh học; thành phố bền vững về môi trường; hóa chất và chất thải; giáo dục môi trường và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… đồng thời đề xuất kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN).

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 34 tại Indonesia

Tại buổi làm việc, các quan chức ASEAN cùng thảo luận và đưa ra quyết định quan trọng thuộc hoạt động của các nhóm công tác ASEAN về một số lĩnh vực môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN thường niên.

Ngoài ra, ASOEN 34 còn xem xét và rà soát các hoạt động hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu... Theo đó, ngày 2 – 3/8 dự kiến diễn ra Hội nghị đối thoại ASEAN - Nhật Bản về môi trường lần thứ 17 (AJDEC), Hội nghị đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 3, Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 5; Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và biến đổi khí hậu, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN +3 về môi trường lần thứ 20 sẽ tiếp tục diễn ra. Số lượng các Hội nghị được tổ chức là 13 hội nghị với sự tham gia khoảng hơn 100 đại biểu ASEAN và các nước đối tác.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ ASOEN 34, Hội nghị Ban chỉ đạo hợp tác ASEAN - Đức về đa dạng sinh học (PSC) và Hội nghị Hội đồng quản trị của Trung tâm Đa dạng sinh học (ACB) lần thứ 25 đã được tổ chức thành công.

Các đại biểu đã được nghe ý tưởng hợp tác mới trong thời gian tới, tập trung vào hỗ trợ triển khai một số nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal (GBF). Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng chủ yếu tập trung vào việc tăng cường lồng ghép đa dạng sinh học trong một số lĩnh vực liên quan như: tài chính, giáo dục, du lịch, y tế...; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu ASEAN; chương trình Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN nhằm truyền cảm hứng đến cộng đồng ASEAN về trách nhiệm đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các lĩnh vực này sẽ được ACB thúc đẩy hình thành thông qua các hội nghị, hội thảo tham vấn, sự kiện cộng đồng dành cho các quốc gia thành viên ASEAN.

Cộng đồng ASEAN đánh giá cao các hỗ trợ của Đức trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời đề nghị Đức tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo tính bền vững đối với các kết quả đạt được trong các chương trình, dự án vừa qua.

Minh Khang (T/H)