Bản tin môi trường số 28/2023

Thứ hai, 31/7/2023 | 10:22 GMT+7
Mới đây, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Hợp tác khu vực hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Hội thảo là một trong nhiều hoạt động trọng tâm gắn với Hội nghị Đối tác quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) lần thứ 15, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bài học về thúc đẩy các sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các quốc gia thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin cập nhật kết quả từ Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; sự chuẩn bị của các quốc gia để tham gia vào công tác đàm phán trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý môi trường từ Việt Nam, Lào, Philippines đã chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất thải nhựa, triển khai dự án EPPIC và sự chuẩn bị tham gia đàm phán đối với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Trong đó, đại diện UNDP cung cấp thông tin cập nhật về kết quả thảo luận từ Ủy ban đàm phán liên Chính phủ (INC) và các tác động tiềm năng đến ASEAN; những hành động, công cụ, sáng kiến và tiến bộ liên quan đến chính sách, biện pháp quan trọng đang được thảo luận trong INC, để thúc đẩy sự tiếp thu, nâng quy mô trong quá trình hoạch định chính sách quốc gia và địa phương.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về tạo điều kiện cho các cơ chế chuyển đổi công bằng, công nhận những người lao động phi chính thức trong thỏa thuận; huy động tài chính cho các nước đang phát triển để hỗ trợ thực hiện hiệp ước, nhất là cách các nước phát triển mở rộng hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong việc thực hiện thỏa thuận này. Đồng thời, nhất trí về tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc chống ô nhiễm nhựa; thống nhất xây dựng một tài liệu chung về chiến lược hợp tác để giải quyết ô nhiễm nhựa và góp phần xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Việt Nam và Lào hợp tác toàn diện, thực chất trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Nhân buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lào mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, ngành TN&MT Việt Nam luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào; xem đây là nhiệm vụ chiến lược, không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác, cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ đặc biệt Việt - Lào, cũng như kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm việc với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lào Saynakhone Inthavong

Bộ TN&MT Việt Nam sẵn sàng phối hợp và chia sẻ với Lào trong các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo tồn thiên nhiên và quản lý ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó với biến đổi khí hậu (phát triển thị trường carbon), phát triển kinh tế tuần hoàn, thăm dò khoáng sản, đào tạo và xây dựng các chính sách chiến lược như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản…

Bên cạnh đó, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào phát triển kinh tế hướng ra biển thông qua cửa ngõ Việt Nam bằng việc triển khai các dự án hợp tác vùng, khu vực…

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, cùng với Lào, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực một cách toàn diện, thực chất hơn trong thời gian tới.

Xây dựng năng lực quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ Việt Nam

Mới đây, dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do WWF Việt Nam thực hiện đã hoàn thành đánh giá thể chế toàn diện nhằm xây dựng năng lực quản lý cho các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong khu vực dự án.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do WWF phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác khác thực hiện nhằm mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo vệ, duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao gồm: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai).

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội nghị đánh giá, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện sự nhất trí và đánh giá cao những kết quả của báo cáo. Đồng thời chỉ ra rằng, qua kết quả tổng hợp, các nhóm đối tượng (Ban giám đốc, lãnh đạo phòng, nhân viên) đều có nhu cầu đào tạo về cơ bản lẫn nâng cao. Theo đó, việc tổ chức các khóa tập huấn về quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần tập trung vào nâng cao kiến thức chuyên môn, chính sách và pháp luật có liên quan, nâng cao phương pháp và kỹ năng về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ động vật hoang dã, du lịch sinh thái.

Để tổ chức được các lớp tập huấn, các đại biểu tham gia đã cùng đưa ra những đề xuất, dựa vào tình hình thực tế của địa phương cũng như đối tượng được tập huấn. Các phương thức tập huấn được đề xuất gồm: tổ chức riêng cho từng Ban quản lý rừng ở mỗi tỉnh; tổ chức theo nhóm Ban quản lý rừng ở mỗi tỉnh hay chung cho các tỉnh vùng dự án; kết hợp lý thuyết và thực hành trên hiện trường; tập huấn bằng hình thức trực tuyến; áp dụng nguyên tắc học tập của người lớn (Adult Learning) và phương pháp lấy người học làm trung tâm (LCTM)...

Huyền Dung