Bản tin môi trường số 30/2022

Thứ hai, 8/8/2022 | 10:51 GMT+7
Ngày 4/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V với chủ đề “Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.

Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác trên.

Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V 

Nhìn lại chặng đường đã qua, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Mặt khác, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người. Vì thế, chủ đề hội nghị năm nay là "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham dự đã trình bày các bài tham luận, trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được và chưa được trong công tác bảo vệ môi trường, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế xanh để sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên

Nhân Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có bài phát biểu về quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững của Bộ.

Theo Bộ trưởng, khi thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI là biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển bền vững kinh tế biển.

Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp, tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước như: Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ  kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 5/8

Với nhiệm vụ là cơ quan chịu trách nhiệm, đầu tàu trong lĩnh vực môi trường, ngành TN&MT đã chủ động đóng góp nhiều sáng kiến quy mô toàn cầu, khu vực liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững.

Trong đó, việc tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

5 quan điểm trong thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường thời gian tới

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã nêu rõ những tồn tại, thách thức trong lĩnh vực môi trường, từ đó đề ra các mục tiêu, quan điểm cần thực hiện để khắc phục tình trạng này tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V.

Thứ trưởng cho biết, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi vẫn ở mức đáng báo động, nhất là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại thành phố lớn.

Mặt khác, hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường mặc dù đã được đầu tư song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, nhiều cụm công nghiệp thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung, các trạm quan trắc không khí tự động liên tục chưa đáp ứng với tốc độ phát triển và nhu cầu quản lý trên thực tế…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Trước những thách thức và khó khăn trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu phải hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Trước mắt, cần thống nhất thực hiện 5 quan điểm để biến những tồn tại, thách thức nêu trên thành cơ hội.

Bao gồm: môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế; bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; bảo vệ môi trường phải dựa trên nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững…

Linh Giang