Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Do đó, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác trên.
Nhìn lại chặng đường đã qua, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Mặt khác, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, 5 năm vừa qua, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành TN&MT và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được.
Để phát triển đất nước theo hướng bền vững, ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững. Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công khi có sự chung tay của tất cả mọi người. Vì thế, chủ đề hội nghị năm nay là "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham dự đã đưa ra các bài tham luận, trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được và chưa được trong công tác bảo vệ môi trường, chỉ ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Nhiều tham luận được đánh giá cao như: tham luận "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường"; "Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu"; "Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường"; "Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường"...