Bản tin môi trường số 30/2023

Thứ hai, 14/8/2023 | 10:35 GMT+7
Mới đây, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW khu vực miền Bắc.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết về ứng phó với biến đổi khí hậu

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI được ban hành nhằm huy động sự chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường quốc gia.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW, đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một đề án lớn, có phạm vi rộng, bao trùm 3 nội dung: ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chủ động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương.

Theo đó, Thứ trưởng đề xuất, thông qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, các cơ quan cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh, tình hình mới từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên thông qua mở rộng, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế để có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, công bằng…

Cảnh giác, chủ động ứng phó thiên tai nửa cuối năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của Ủy an Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo chủ động ứng phó thiên tai năm 2023

Tại hội nghị, Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm do El Nino tiếp tục duy trì đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, vì thế các địa phương trong vùng cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi khi thiên tai xảy ra. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại những nhiệm vụ cụ thể, các kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế, cần kịp thời và chính xác hơn. Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ, đặc biệt là qua hệ thống tin nhắn điện thoại để chính quyền, người dân biết, chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó, phòng, tránh thiên tai hiệu quả.

Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tham mưu cho Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trên cơ sở thực tế, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả...

Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất hợp tác giảm phát thải, quản lý rừng bền vững

Hướng đến hợp tác giảm phát thải khí nhà kính, quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc Daeik Son vừa gặp mặt và làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, dự án hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên có mục tiêu hợp tác nhằm giảm phát thải khí nhà kính, quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đa dạng sinh học ở trung du và miền núi phía Bắc ở Việt Nam cho giai đoạn 2022 - 2030 theo Tiêu chuẩn carbon được xác minh (VCS). Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Thứ trưởng đề nghị, Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc khẩn trương phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ NN&PTNT xây dựng đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện bộ hồ sơ, dự thảo ý định thư giữa Cục Lâm nghiệp và công ty để sớm tiến hành ký kết theo quy định.

Ông Daeik Son cho biết, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đây, phía Hàn Quốc đề xuất thực hiện thí điểm tại ba địa phương là Hòa Bình, Tuyên Quang và Phú Thọ để kiểm tra độ khả thi trước khi triển khai đại trà tại các địa phương khác.

Ngọc Huyền