Thu hút đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 11/8/2023 | 15:19 GMT+7
Ngày 11/8, Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các ban, ngành, chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành nhận định, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành TN&MT.

Đến nay, các mục tiêu ứng phó với BĐKH đều đạt, thậm chí vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, chỉ tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP đã vượt mức đề ra (giảm 8 - 10% so với năm 2010), thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải. Đây là điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn diện về nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện, trụ cột về ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách ứng phó với BĐKH, cả Trung ương và địa phương đều đã tăng cường đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Cụ thể, quan điểm, chủ trương của Nghị quyết được thể chế hóa vào các đạo luật và văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn. Thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính đã được luật hóa để triển khai thực hiện. Công tác loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH được nâng cao; kịch bản BĐKH được cập nhật định kỳ.

Quang cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các ban, ngành, chuyên gia trong lĩnh vực ứng phó thiên tai, BĐKH, tài nguyên môi trường đã cùng trao đổi, đề xuất giải pháp để việc triển khai Nghị quyết 24 tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt được nhiều hiệu quả trong tương lai.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, Ngân hàng Thế giới dự báo, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần 400 tỷ USD để ứng với sự biến đổi khí hậu. Đây là số tiền cần có để tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch, triển khai chương trình cấp vùng cho đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển, giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Khoản tiền trên cũng nhằm hỗ trợ những tầng lớp chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ, sạt lở đất, nước biển dâng.

Để giải quyết vấn đề, Bộ TN&MT đưa ra 5 giải pháp gồm: tăng nguồn chi từ ngân sách theo mức độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng chính sách phù hợp với các thể chế tài chính toàn cầu để thu hút đầu tư xanh; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội; tăng cường năng lực doanh nghiệp trong việc tiếp cận và huy động nguồn lực ODA, vốn ưu đãi và rà soát chính sách thuế, phí.

Nhận định về giảm phát thải khí nhà kính và những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới, GS.TSKH Trần Thục nhấn mạnh, thương mại và đầu tư quốc tế đang định hình theo hướng gắn với các tiêu chí giảm phát thải, phát triển bền vững, lao động, môi trường, chống tham nhũng. Các nước lớn tăng hỗ trợ tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng trong các ngành chiến lược; nhiều quốc gia cũng đẩy mạnh tập hợp lực lượng, liên kết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mới nổi liên quan đến khí hậu. Với nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt và thích ứng, coi đây là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, thông tin cập nhật mới của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ TN&MT sẽ tổng hợp và tổng kết để đề ra những quan điểm mới, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về ứng phó với BĐKH trong thời kỳ mới.

Mỹ Dung (T/H)