Bản tin môi trường số 3/2021

Thứ hai, 12/7/2021 | 10:35 GMT+7
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/5/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức có hiệu lực.

Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như nhập khẩu trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm; không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng xạ… sẽ bị xử phạt hành chính nặng.

Kiểm soát chặt các phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài

Cụ thể, từ ngày 10/7 các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành gồm: vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về quản lý chất thải, về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung.

Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường…

Hàn Quốc tài trợ hơn 1 triệu USD phát triển hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên

Mới đây, dự án Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Cát Tiên được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO) với tổng kinh phí lên đến 1.232.000 USD.

Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm.

Vườn quốc gia Cát Tiên có hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá

Dự án Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Cát Tiên được triển khai nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng của vườn quốc gia cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở địa phương. Đồng thời đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên để từ đó có biện pháp quản lý tổng hợp, nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; cũng như thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.

Những nội dung trong dự án này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì và phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng, không chỉ ở Cát Tiên mà còn ở nhiều địa phương khác.

Liên Hợp Quốc hỗ trợ nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Để giải quyết vấn đề về nhựa đang ngày càng trầm trọng hiện nay, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) lần thứ II, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy.

Vấn nạn rác thải nhựa đại dương

Theo đó, EPPIC sẽ là cơ hội để các nhà tổ chức tìm ra nhiều sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, những sáng kiến này thường đang trong quá trình hoàn thiện nhưng thiếu sự hỗ trợ hay các nguồn lực để phát triển.

Các đội lọt vào vòng chung kết EPPIC tham gia một khóa đào tạo ươm mầm kéo dài 3 tháng tại Philippines và Indonesia, bắt đầu từ tháng 7/2021. Họ sẽ được tập huấn về các chủ đề như: kinh tế tuần hoàn, cách đo lường tác động, các mục tiêu phát triển bền vững, marketing và gây quỹ cộng đồng, cách tận dụng hỗ trợ tài chính và mở rộng mạng lưới... Các đội sẽ có cơ hội cải thiện ý tưởng của mình để tăng cường tối đa sức ảnh hưởng và điều chỉnh các giải pháp sao cho phù hợp nhất với bối cảnh địa phương.

Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải kết hợp quản lý bền vững

Nhận thấy nhu cầu xử lý nước thải ngày càng cấp thiết của các địa phương, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt”.

Mục tiêu của đề tài là đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, góp phần đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp.

Nhóm nghiên cứu khảo sát mô hình xử lý nước thải ở xã Tân Tiến (huyện An Dương, Hải Phòng)

GS.TS Nguyễn Tùng Phong, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất mà các dự án xử lý nước thải phải đối mặt hiện nay là sự phân tán của các nguồn thải. Theo kết quả khảo sát, chỉ tính riêng hệ thống An Kim Hải (Hải Phòng) đã có hơn 400 nguồn thải khác nhau, trong số đó, chỉ có khoảng 30% nguồn thải được cấp phép xả thải, còn lại hầu như không thể kiểm soát.

Từ đó, ông Nguyễn Tùng Phong chỉ ra rằng, giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề này là “giải pháp tổng thể”. Nghĩa là xử lý cục bộ tại nguồn thải, kết hợp với điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi để tăng khả năng tự làm sạch của hệ thống một cách “thuận tự nhiên”.

Theo đó, các nhà khoa học của Viện đã lựa chọn hệ thống xử lý nước thải phân tán DEWATS để xử lý nước thải hữu cơ quy mô dưới 1000 m3/ngày đêm. Với ưu điểm là hiệu quả xử lý cao, ổn định, quá trình vận hành và bảo dưỡng đơn giản, tốn ít chi phí, không cần sử dụng điện năng nếu khu vực xử lý có độ dốc thích hợp, sử dụng các vi sinh vật nên thân thiện với môi trường, công nghệ DEWATS đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thanh Bảo