Đề xuất về quản lý chất lượng không khí Hà Nội

Thứ tư, 30/6/2021 | 18:23 GMT+7
Ngày 30/6, hội thảo trực tuyến "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp" được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.

Theo kết quả được công bố của Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vùng ô nhiễm không khí chính do khói bụi nằm ở phía Nam Hà Nội, như ở thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Cụ thể, từ kết quả kiểm kê phát thải bụi mịn từ đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội, PGS.TS Hoàng Anh Lê, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong vụ Đông Xuân 2021, sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 1.936 tấn, tỷ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá cao, lên tới 43,2%. Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người sống cách xa khu vực đốt rơm rạ.

Tại hội thảo, bà Katelijn Van den Berg, chuyên gia môi trường cao cấp WB tại Việt Nam cũng chia sẻ kết quả 1 năm quan trắc chất lượng không khí và phân tích thành phần nguồn thải tại nước ta và chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 cao nhất đo được là vào những ngày có hiện tượng đốt sinh khối.

Nồng độ carbon hữu cơ từ quá trình cháy sinh khối (chiếm khoảng 20%). Nồng độ nền ổn định của cacbon từ quá trình đốt cháy liên tục và phát thải từ đốt than và giao thông (chiếm ít hơn 10%). Nguồn phát thải công nghiệp liên quan đến chì, thiếc chiếm khoảng 10% phát thải bụi PM2.5. Tuy nhiên, nguồn phát thải này có một phần pha trộn với các hợp chất có nguồn gốc công nghiệp.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao do nhiều nguyên nhân

Để cải thiện chất lượng không khí, chuyên gia WB tại Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng của thành phố cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Bên cạnh vấn đề đốt phế thải nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, khí thải do các phương tiện giao thông cũng là một tác nhân được nhắc đến trong hội thảo. Theo đó, thành phố cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Mặt khác, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.

"Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Đồng thời, Hà Nội cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí", PGS.TS Hoàng Anh Lê đề xuất.

Khả Như (T/H)