Bản tin môi trường số 35/2023

Thứ hai, 18/9/2023 | 10:14 GMT+7
Nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16/9) hàng năm.

Tích cực thực hiện Nghị định thư Montreal nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone

Nghị định thư Montreal ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/1989, là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng biện pháp loại bỏ hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone.

Ảnh minh họa

Nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng, hàng năm, Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone đã được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo nhân dân, các tổ chức cũng như Chính phủ, góp phần lan tỏa thông điệp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chung.

Để đóng góp nhiều hơn cho việc khôi phục tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, từ hoàn thiện thể chế, ban hành quy định pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát, xây dựng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ công tác quản lý để đáp ứng lộ trình thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ tầng ozone; nghiên cứu, ban hành quy định hạn chế hoặc ngừng sử dụng các chất được kiểm soát có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, nhất là khi đã có các chất thay thế mới thân thiện hơn với khí hậu; sớm loại trừ HFC-407C trong điều hòa không khí dành cho tàu hỏa; loại trừ HFC-23 trong các hệ thống phòng cháy chữa cháy; loại trừ HCFC-22 trong sản xuất thiết bị lạnh và điều hòa không khí…; tích cực hơn trong triển khai quản lý vòng đời các chất được kiểm soát; thúc đẩy các hoạt động tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal...

Hỗ trợ kỹ thuật mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải tại Việt Nam

Mới đây, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo khởi động hỗ trợ kỹ thuật đào tạo và mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam.

Hoạt động góp phần nâng cao nhận thức về ETS cho các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn – những đơn vị sẽ tham gia trực tiếp vào ETS của Việt Nam trong tương lai. Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (thị trường carbon nội địa) là một trong các công cụ định giá carbon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

Hỗ trợ kỹ thuật đào tạo hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính hướng đến phát thải ròng bằng 0

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên, lộ trình triển khai thị trường carbon được quy định rõ tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó nêu rõ, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Các cơ quan cũng sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu và các chuyên gia cùng giới thiệu thiết kế và lộ trình triển khai ETS của Việt Nam; sự phát triển của các ETS trên thế giới và vai trò của ETS trong quá trình chuyển dịch năng lượng và đạt được các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) ở Việt Nam; kế hoạch thực hiện và tiến độ hỗ trợ kỹ thuật đào tạo và mô phỏng hệ thống thương mại phát thải tại Việt Nam; giới thiệu về CarbonSim – công cụ mô phỏng thị trường carbon hiệu quả để hiểu về ETS. Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận làm rõ hơn về ETS và các hoạt động đào tạo trong thời gian tới.

Việt Nam và Cộng hòa Séc hợp tác trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc Petr Hladík mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề cập đến một số lĩnh vực đang được quan tâm như: nước và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý chất thải, kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc Petr Hladík

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin thêm, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn do biến đổi khí hậu. Do đó, tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” (net zero) vào năm 2050. Bên cạnh đó, việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải tại nguồn cũng là một lĩnh vực được chú trọng ở Việt Nam. 

Thông qua buổi gặp mặt, lãnh đạo ngành TN&MT mong muốn hai Bộ tích cực hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương, từ đó mở rộng phát triển sang nhiều lĩnh vực có lợi thế khác.

Bộ trưởng Petr Hladík đánh giá cao những nỗ lực và các kế hoạch, định hướng của Việt Nam trong các vấn đề tài nguyên môi trường và bày tỏ mong muốn thời gian tới hai bên sẽ cụ thể hóa hợp tác dựa trên ưu thế, nhu cầu của mỗi bên. Bộ Môi trường Cộng hòa Séc cam kết sẽ quan tâm hơn nữa tới những lĩnh vực có tiềm năng như xử lý nước, xử lý chất thải, kinh tế tuần hoàn và tiếp tục đồng hành trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Thanh Bảo (t/h)