Bản tin môi trường số 43/2023

Thứ hai, 13/11/2023 | 10:15 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Hướng dẫn được ban hành tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhằm thực hiện khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác theo hướng dẫn của Bộ; bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ; lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Hướng dẫn cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt…

Địa lý nhân văn có những đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDG) đến năm 2030” diễn ra mới đây, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để địa lý nhân văn tham gia hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, phát triển bền vững theo lãnh thổ, theo ngành và lĩnh vực nói riêng.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, ban tổ chức đã lựa chọn trình bày 42 bài tham luận ở các khía cạnh của địa lý nhân văn và phát triển bền vững, phân thành 5 chủ đề gồm: địa lý nhân văn trong thực hiện SDG Việt Nam; địa lý nhân văn đối với phát triển bền vững theo lãnh thổ; địa lý nhân văn đối với phát triển bền vững ngành và lĩnh vực; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; ứng dụng công nghệ địa lý - GIS trong hỗ trợ và giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu tập trung thảo luận, gợi mở một số vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp về đóng góp của địa lý nhân văn trong thực hiện các SDG của Việt Nam nói chung, phát triển bền vững theo lãnh thổ, theo ngành và lĩnh vực nói riêng. Các giải pháp cần tập trung đến xây dựng và thực hiện thể chế về phát triển bền vững; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững của quốc gia.

Khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển

Mới đây, hội thảo Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS)...

Hội thảo là dịp để giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ngư dân - nguồn lực hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu đa dạng sinh vật, có thể đóng góp tích cực trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với các hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.

Khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển

Các đại biểu tham gia sự kiện cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức và cộng đồng ngư dân về phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật.

Trong bối cảnh nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển rất hạn chế, việc tận dụng ngư dân là lực lượng hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống. Đây là một hình thức của mô hình “Khoa học công dân” thu hút công dân địa phương cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết và ứng phó các vấn đề xã hội và môi trường dựa trên tinh thần tự nguyện.

Ngọc Huyền