Bản tin môi trường số 46/2022

Thứ hai, 28/11/2022 | 11:10 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã vừa làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực TN&MT.

Việt Nam hợp tác với Ba Lan trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, Bộ TN&MT Việt Nam đang quản lý đa lĩnh vực. Trong đó, Bộ có thể hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tài nguyên đất, nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, viễn thám, biển và hải đảo. Bộ cũng đã phối hợp với trường Đại học Vacsava (Ba Lan) nghiên cứu, xây dựng Trạm nghiên cứu địa chất khoáng sản, biển đảo. Thời gian qua, Chính phủ Ba Lan rất quan tâm đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như biển và hải đảo. Vì vậy, Thứ trưởng hy vọng Việt Nam sẽ hợp tác với Ba Lan trong các lĩnh vực này trong tương lai.

Thứ trưởng Lê Công Thành đại diện Bộ TN&MT tiếp xã giao Quốc vụ khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan

Ông Grzegorz Piechowiak, Quốc vụ khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan dựa trên nền tảng phát triển bền vững. Hiện Ba Lan mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu khai khoáng địa chất, kim loại và giảm thải khí CO2... Ba Lan cũng đang nghiên cứu những điều khoản hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là những rủi ro tiềm ẩn trong khai khoáng địa chất, xây dựng các phương án triển khai công nghệ xanh có thể chuyển giao cho Việt Nam, trong đó có sáng kiến Green Eco của Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan đã được tổ chức và tiến hành trong nhiều năm nay.

Phát triển bền vững công viên địa chất ở Việt Nam

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Tiểu ban chuyên môn về công viên địa chất thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Hội thảo khoa học “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” là sự kiện chào mừng cột mốc 15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam. Đây là dịp để chia sẻ những thành tựu, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển công viên địa chất. Đồng thời là dịp để các cơ quan Trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các công viên địa chất. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng; quản lý, xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.

Để phát triển hơn nữa hệ thống công viên địa chất ở Việt Nam xứng tầm quốc tế, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận về các vấn đề thiết thực như: một số khái niệm kiến giải và đề xuất trong xây dựng công viên địa chất ở Việt Nam; quá trình hình thành và định hướng phát triển công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; sự đồng hành của các nhà khoa học trong xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam; hành trình 12 năm phấn đấu cho danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan và những thành tựu đạt được; quá khứ, hiện tại và tương lai của công viên địa chất toàn cầu UNESCO đảo Jeju; những thách thức đối với các công viên địa chất tiềm năng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh; di sản địa chất và các công viên địa chất ở Nhật Bản...

Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức sự kiện “Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đánh giá, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng hiện nay, trở thành thách thức lớn nhất đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai thực hiện thông qua cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ... 

Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nông thôn, môi trường biển của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng. 

Sự kiện “Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới”

Sự kiện “Tấm lưới xanh - Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần xây dựng nông thôn mới” lần này được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thúc đẩy phụ nữ, gia đình và cộng đồng thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Với thông điệp “Mỗi tấm lưới ra khơi là những tấm lưới xanh, mỗi ngư dân ra khơi bám biển sẽ cùng cộng đồng và các gia đình ngư dân ven biển cùng tích cực hành động thu gom rác thải nhựa, rác thải tái sử dụng, tái chế trong hành trình đi biển để biển Việt Nam ngày càng trong xanh, sạch rác”, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tin tưởng và hy vọng bằng tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương và hành động làm sạch biển bằng những việc làm thiết thực nhất. Tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta cùng quyết tâm hành động làm sạch biển bằng những việc làm thiết thực nhất.

Khả Như