Bản tin môi trường số 45/2022

Thứ hai, 21/11/2022 | 09:00 GMT+7
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), nước chủ nhà Ai Cập đã khởi động sáng kiến quốc tế Hành động về nước, thích ứng và khả năng chống chịu (AWARe).

Khởi động sáng kiến Hành động về nước, thích ứng và khả năng chống chịu

Sáng kiến AWARe nhằm thúc đẩy các hành động thích ứng và cải thiện nguồn cấp nước trên toàn cầu. Đây là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến được Ai Cập đưa ra tại Hội nghị COP27 để cung cấp các giải pháp thích ứng cho thế giới, bắt đầu từ các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất thế giới ở châu Phi.

Khởi động sáng kiến quốc tế Hành động về nước, thích ứng và khả năng chống chịu

Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Tài nguyên nước Hani Sewilam khẳng định, nhiệt độ có thể tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới và những thay đổi này sẽ tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước của châu Phi cũng như an ninh lương thực của châu lục. Ngoài ra, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao theo từng năm, đe dọa nhiều khu vực ven biển của châu Phi.

Trước những thách thức trên, Bộ trưởng Hani Sewilam cho rằng đã đến lúc phải triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết khí hậu toàn cầu và đảm bảo các lợi ích quốc tế liên quan đến vấn đề nước.

Theo đó, sáng kiến AWARe sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu nguồn nước thải trên toàn thế giới và cải thiện nguồn cung cấp nước, đồng thời hỗ trợ việc thực hiện các chính sách để thúc đẩy hợp tác trong hành động thích ứng liên quan đến nước.

Đối tác Hoa Kỳ cùng Việt Nam khởi động dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Mới đây, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng khởi động dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua các hành động tập thể do Việt Nam dẫn dắt.

Dự án mới có tên gọi “Giảm thiểu ô nhiễm” sẽ được thực hiện trong 5 năm với ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD, do USAID tài trợ, tổ chức Winrock International phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện. Đây là một trong những dự án hợp tác song phương hướng tới việc xử lý ô nhiễm đa phương diện và huy động sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Lễ khởi động dự án "Giảm thiểu ô nhiễm" do USAID tài trợ

Dự án được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy triển khai các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm định hướng và tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các tổ chức, mạng lưới tại Việt Nam để cùng giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường bằng cách tiếp cận, đánh giá các tác động ô nhiễm môi trường mang tính khu vực và toàn cầu, đặc biệt giải quyết các vấn đề về chuyển đổi năng lượng, ô nhiễm rác thải nhựa, tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải, nâng cao ý thức cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Theo đó, dự án góp phần giải quyết nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường. Từ việc thúc đẩy vài trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, dự án sẽ cung cấp các khoản tài trợ cho các tổ chức địa phương đóng vai trò là “tổ chức nòng cốt” cho mỗi sáng kiến tác động tập thể. Các tổ chức nòng cốt này sẽ đóng vai trò là đơn vị địa phương dẫn dắt cho các sáng kiến, bao gồm thông qua việc huy động sự ủng hộ từ cộng đồng, thúc đẩy chính sách và thu hút thêm các nguồn tài trợ khác. 

Tăng cường bảo vệ các loài linh trưởng

Tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy vừa phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp khai mạc Hội thảo quốc tế Linh trưởng châu Á lần thứ 8.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam là quốc gia có số lượng loài linh trưởng cao nhất Đông Nam Á, với 24 loài và 26 phân loài, tiếp theo là Lào với 18 loài, Thái Lan và Myanmar với 17 loài, Campuchia với 13 loài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có số loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng hàng đầu trên thế giới cần được ưu tiên bảo vệ.

Hội thảo quốc tế Linh trưởng châu Á lần thứ 8

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ trong lĩnh vực bảo tồn đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, thách thức và giải pháp, cũng như phát triển công tác bảo tồn các loài linh trưởng tại châu Á, đặc biệt ở Việt Nam.

Theo ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, để bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng, trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thiết lập một hệ thống rừng đặc dụng phòng hộ với diện tích trên 6 triệu ha. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đang ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học, trong đó có các loài linh trưởng của Việt Nam và thế giới. Hiện đã có rất nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ được lập ra để cứu hộ, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh và môi trường sống của một số quần thể linh trưởng đặc biệt như voọc Cát Bà, voọc mông trắng…

Ngọc Mai