Giảm chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 24/11/2022 | 16:16 GMT+7
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Sở NN&PTNT Thái Bình tổ chức lễ mít tinh Tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

Sự kiện nhằm hạn chế, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp và phòng, tránh tác hại của chất thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp.

Lễ mít tinh Tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp

Theo thông tin tại lễ mít tinh, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn như đã mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đã để lại những tác động không nhỏ tới môi trường, tạo ra các chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa.

Thời gian qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được triển khai tại nhiều địa phương và đạt được kết quả khả quan. Trong đó, Thái Bình là tỉnh tiên phong và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Một số mô hình như “Cánh đồng sạch - thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”; “Hạn chế sử dụng túi nilon”... đã thu hút được sự tham gia của người dân địa phương và đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tại lễ phát động, ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đề xuất thực hiện một số giải pháp trọng tâm để bảo vệ môi trường như: giám sát sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe con người; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa tại đồng ruộng.

Định kỳ, thường xuyên tổ chức ra quân hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường trên các cánh đồng, kênh mương. Mỗi người dân tiếp tục hưởng ứng, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua sắm, sinh hoạt hàng ngày và sản xuất nông nghiệp, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong nông nghiệp, để giảm chất thải nhựa, cần nâng cao nhận thức của người dân để hạn chế việc sử dụng các vật tư sản xuất làm từ nhựa; tuyên truyền, đẩy mạnh việc tập huấn, đưa vào triển khai chương trình kiểm soát, diệt trừ côn trùng tổng hợp, chương trình sản xuất phân hữu cơ, nâng cao giá trị thu nhập cho người tham gia sản xuất. Thay thế các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại vật tư vi sinh để đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn…

Lâm Bảo