Bản tin môi trường số 49/2022

Thứ hai, 19/12/2022 | 08:35 GMT+7
Mới đây, Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) và cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN đã phối hợp tổ chức diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng khả năng ứng phó thiên tai trước các hiểm họa liên quan đến khí hậu ở Đông Nam Á”.

Xây dựng khả năng ứng phó thiên tai ở ASEAN

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC) Ekkaphab Phanthavong nhấn mạnh, biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro và sự tổn thương cho các quốc gia và cộng đồng tại khu vực Đông Nam Á. Do đó, nhân dịp này, ông kêu gọi các tổ chức, đối tác cần phát triển các phương pháp thích ứng sáng tạo và hợp tác liên ngành để giảm thiểu những rủi ro này; đồng thời khẳng định sự cần thiết trong việc huy động các lực lượng địa phương, công nghệ tiên tiến, tài chính sáng tạo, góp phần mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu.

Nghiên cứu xây dựng khả năng ứng phó thiên tai trước các hiểm họa liên quan đến khí hậu ở Đông Nam Á

Tại đây, nhiều chuyên gia thuộc nhiều tổ chức, quốc gia đã cùng thảo luận và đề xuất ý kiến trong việc xây dựng khả năng ứng phó thiên tai trước các hiểm họa liên quan đến khí hậu ở Đông Nam Á.

Từ những góp ý trên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan kiêm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) Pannapa Na Nan đã kêu gọi hợp tác liên ngành trong việc xem xét và thực hiện khuyến nghị của các chuyên gia. Nhân đây, bà Pannapa Na Nan cũng mời các cơ quan chuyên ngành của ASEAN tham dự Diễn đàn ASEAN về phục hồi sau thảm họa được tổ chức vào năm 2023 và cùng nhau hợp tác để giúp ASEAN vươn lên mạnh mẽ hơn sau các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai.

Gắn vấn đề giới với hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu

Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Đối thoại sau Hội nghị COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu.

Đối thoại sau COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu

Báo cáo "Lồng ghép giới vào kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu" tại sự kiện đã cung cấp cái nhìn tổng quan và cập nhật về khí hậu, cơ cấu quản trị giới, xem xét các yếu tố dẫn đến bất bình đẳng giới và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ trước tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phân tích các tình trạng lồng ghép giới vào các chính sách ngành, trước khi đưa ra một loạt các khuyến nghị. Báo cáo giúp cung cấp thông tin và tăng cường cải thiện các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong báo cáo kỹ thuật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) của Việt Nam, sau đó sẽ được đệ trình lên UNFCCC.

Theo đó, Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước và luôn là thành viên tích cực của tất cả các thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu này.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia đánh giá tiến độ của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên trong NAP của Việt Nam; thảo luận những chính sách khí hậu phù hợp cũng như vấn đề NAP Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi có tác động để tăng cường khả năng phục hồi cho phụ nữ và nam giới ở cấp địa phương.

Nghiên cứu xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì

Ngày 15/12, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức Hội thảo tham vấn đề xuất định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs).

Hội thảo tham vấn đề xuất định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo để khảo sát và xây dựng Fs. Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023 để kịp thời triển khai từ ngày 1/1/2024.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do chi phí lao động, công nghệ, thu gom… khác nhau. Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và cần có sự đồng thuận bởi các bên có liên quan.

Theo TS. Ko Jae Young, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, việc đề xuất Fs nên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn độc lập trên cơ sở khảo sát chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam. Đặc biệt, cần có sự phân biệt giữa sản phẩm, bao bì dễ tái chế với sản phẩm, bao bì khó tái chế.

Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức tái chế, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Lam An