Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ do những khác biệt về giáo dục, y tế, việc làm, khả năng tiếp cận và làm chủ các nguồn tài nguyên và tài chính, cũng như cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, phân công lao động... BĐKH còn khiến nguy cơ giảm cơ hội việc làm được trả lương của phụ nữ gia tăng và giảm vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Trong khi đó, phụ nữ đã và đang có những đóng góp tích cực và quan trọng trong thích ứng với BĐKH. Thực tế cho thấy, phụ nữ có khả năng thích ứng và phục hồi sau thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra. Tuy nhiên, khả năng thích ứng đó phụ thuộc nhiều vào năng lực và điều kiện kinh tế, xã hội và sự hỗ trợ của các cấp quản lý.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), một phiên họp riêng về vấn đề giới đã được tổ chức nhưng các quốc gia không đạt được thỏa thuận chung về việc cung cấp những nguồn lực bổ sung để hỗ trợ các quyết định và nhiệm vụ liên quan đến giới theo quy trình của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Đối thoại sau COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu
Báo cáo "Lồng ghép giới vào kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH" tại sự kiện đã cung cấp cái nhìn tổng quan và cập nhật về khí hậu, cơ cấu quản trị giới, xem xét các yếu tố dẫn đến bất bình đẳng giới và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ trước tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, phân tích các tình trạng lồng ghép giới vào các chính sách ngành, trước khi đưa ra một loạt các khuyến nghị. Báo cáo giúp cung cấp thông tin và tăng cường cải thiện các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong báo cáo kỹ thuật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) của Việt Nam, sau đó sẽ được đệ trình lên UNFCCC.
Theo đó, Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước và luôn là thành viên tích cực của tất cả các thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia đánh giá tiến độ của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên trong NAP của Việt Nam; thảo luận những chính sách khí hậu phù hợp cũng như vấn đề NAP Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi có tác động để tăng cường khả năng phục hồi cho phụ nữ và nam giới ở cấp địa phương.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP nhấn mạnh, bình đẳng giới thường được nhắc đến như một “nguyên tắc” trong các chính sách, trong thời gian tới, cần phát triển các công cụ thực tế để chuyển từ lý thuyết ở cấp trung ương sang thực hiện ở cấp địa phương. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các hướng dẫn cụ thể về giới cho các bộ ngành và các tỉnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó với BĐKH.